Chính trị - Xã hội

Hiệu quả trong điều động, luân chuyển cán bộ ở cơ sở

08:19, 21/12/2021 (GMT+7)

Điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở và ngược lại là chủ trương được thực hiện từ nhiều năm qua nhằm tạo môi trường tốt để cán bộ rèn luyện năng lực, bản lĩnh. Song, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với những cán bộ được luân chuyển, điều động nếu như không thực sự cầu thị, tâm huyết với nơi đến.

Việc luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với từng địa phương đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. TRONG ẢNH: Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND  phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) (bìa trái) kiểm tra việc phòng, chống Covid -19 tại tổ 26 sau khi khu vực này phát hiện nhiều trường hợp FO (ảnh chụp chiều 20-12).  Ảnh: TRỌNG HÙNG
Việc luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với từng địa phương đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. TRONG ẢNH: Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) (bìa trái) kiểm tra việc phòng, chống Covid -19 tại tổ 26 sau khi khu vực này phát hiện nhiều trường hợp FO (ảnh chụp chiều 20-12). Ảnh: TRỌNG HÙNG

Bài 1: Trưởng thành từ cơ sở

Để tăng cường năng lực chuyên môn, tạo sự cọ xát cho cán bộ, những năm qua, các quận, huyện đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ phường, xã về quận, huyện; từ quận, huyện về phường, xã; từ phường, xã này sang phường, xã khác. Đây là cách làm mang lại hiệu quả cao, bởi bản thân mỗi người khi được luân chuyển, điều động sẽ có cơ hội tiếp thu những kiến thức mới, rèn luyện, hoàn thiện bản thân.

Chọn đúng người, đúng thời điểm

Trước đây, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cùng lúc có một số cán bộ bị kỷ luật do vi phạm trong quản lý đất đai, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng. Năm 2019, Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu quyết định điều động ông Thân Đức Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Hiệp Bắc về làm Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam. Nhờ có kinh nghiệm công tác ở cơ sở nên khi nhận nhiệm vụ mới, ông Minh chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai, siết chặt và xử lý nghiêm tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó nêu cao vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, thường xuyên lắng nghe ý kiến từ nhân dân; quyết liệt trong chỉ đạo, sâu sát cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Trị, Bí thư Chi bộ khu dân cư Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam) cho biết, trước đây, địa phương luôn là “điểm nóng” về tình trạng xây dựng nhà trái phép. Nhưng qua hơn 3 năm qua, tình trạng xây dựng nhà trái phép giảm hẳn. “Mặc dù không phải là người địa phương nhưng khi được phân công nắm chức vụ chủ chốt của phường, ông Minh đã cùng cấp ủy đi sâu, đi sát, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đối thoại, cho nên điểm “nóng” về xây dựng trái phép đã dần được “dập tắt””, bà Trị nói. Về phần mình, ông Thân Đức Minh bày tỏ: “Được làm việc trong môi trường mới và ở một địa phương phức tạp về tình trạng xây dựng trái phép, bản thân tôi phải tìm hiểu nhiều hơn để nhanh chóng nắm bắt tình hình và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ở địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cũng “vỡ vạc” ra nhiều điều”.

Cuối năm 2016, xã miền núi Hòa Phú (huyện Hòa Vang) gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu giúp xã sớm hoàn thành những công việc còn dở dang, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang điều động ông Nguyễn Tân, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hòa Vang về làm Chủ tịch UBND xã Hòa Phú. Nhớ lại thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Tân chia sẻ: “Vị trí Chủ tịch UBND xã Hòa Phú là công việc hoàn toàn mới với nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Mặt khác, bản thân tôi không phải là người địa phương nên ban đầu việc nắm bắt tình hình, tư tưởng cán bộ, nhân dân còn nhiều bỡ ngỡ. Ngoài sự giúp đỡ của tập thể cấp ủy nơi đến, tôi còn phải thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, nắm chắc quy định pháp luật; luôn nêu gương, dám nghĩ, dám làm”.

Cũng theo ông Tân, mặc dù là xã miền núi nhưng những năm qua, Hòa Phú có một số dự án trọng điểm được triển khai, vì vậy công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng gặp không ít khó khăn. Nhờ sự đoàn kết của cả tập thể, UBND xã Hòa Phú đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thống nhất với chủ trương, vì lợi ích chung. Với những hộ còn chưa đồng thuận, ông Tân cùng tập thể Đảng ủy xã và lãnh đạo các thôn gặp trực tiếp để vận động. “Mấy năm qua, nhiều dự án lớn được triển khai trên địa bàn xã, trong đó khâu giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi như dự án đường dây 500 kV mạch 3, dự án đường vành đai phía Tây, nhờ đó các công trình triển khai thuận lợi hơn”, ông Tân cho hay.

Sau khi được điều động, luân chuyển, nhiều cán bộ đã nỗ lực trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (bên phải) trao đổi với công an xã về  công tác bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian cao điểm phòng, chống Covid -19 trên địa bàn. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Sau khi được điều động, luân chuyển, nhiều cán bộ đã nỗ lực trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (bên phải) trao đổi với công an xã về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian cao điểm phòng, chống Covid -19 trên địa bàn. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Sáng tạo trong quản lý, điều hành

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, việc luân chuyển cán bộ cấp quận, huyện về cơ sở đã giúp nhiều địa phương tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại. Hơn nữa, đưa cán bộ về cơ sở “đúng người, đúng việc” nhiều địa phương đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, những vấn đề tồn đọng trước đây trong giải quyết đơn thư, khiếu nại liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, các chính sách… dần được tháo gỡ, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.

Đơn cử như ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), một trong những địa phương trước đây có nhiều đơn kiến nghị, phản ánh về công tác đền bù giải tỏa, khai thác đất đồi trái phép. Từ khi Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang Lê Đức Toại được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã và ông Ngô Quốc Dũng, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang về làm Chủ tịch UBND xã, những “điểm nghẽn” tồn tại ở địa phương đã dần dần được “tháo gỡ”. “Muốn giảm thiểu đơn thư của người dân thì phải nắm được lòng dân, hiểu dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải là người gần dân, gặp gỡ giải quyết đơn thư ngay từ thôn, như vậy, mọi bức xúc của người dân được tháo gỡ ngay từ ban đầu”, ông Toại cho hay.

Tháng 3-2021, ông Trần Đại Nghĩa đang làm Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thì được điều động và bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Hòa Phong. Trên cương vị mới, ông cùng với tập thể Đảng ủy xã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; vận động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. “Tôi phải nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và được nhân dân tín nhiệm. Mọi quyết sách quan trọng phải được bàn bạc, thống nhất trong toàn Đảng bộ và nhân dân, nhất là các biện pháp, giải pháp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong chia sẻ.

Tại các địa phương khác, công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ cũng được thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp. Tháng 7-2021, khi đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Ngũ Hành Sơn, bà Nguyễn Thị Hải Vân được Ban Thường vụ Quận ủy Ngũ Hành Sơn luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ. Giữ vị trí chủ chốt cấp cơ sở, ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, bà Vân dành thời gian cùng tập thể lãnh đạo Quận ủy, phường tham gia công tác chống dịch, xử lý các kiến nghị của người dân liên quan đến việc bảo đảm an sinh xã hội...

Bà Vân cũng là người thúc đẩy địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nâng cao hiệu quả chống dịch, như: tiếp nhận phản ảnh của người dân qua các nhóm zalo; quản lý xét nghiệm, tiêm chủng và cấp giấy phép đi đường… “Từ khi đợt Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, đội ngũ cán bộ từ phường đến cơ sở nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh. Qua mỗi đợt dịch cũng là dịp để mỗi cán bộ của địa phương bám sát thực tiễn, phát huy năng lực, giúp cấp ủy rà soát, đánh giá lại công tác cán bộ, phát hiện những nhân tố mới, nhất là cán bộ trẻ”, bà Vân nói.

Từ thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ cấp quận, huyện khi được điều động, luân chuyển về cơ sở đều nhanh chóng tiếp cận công việc, bám sát yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương. Nhiều cán bộ năng nổ, chịu khó học hỏi, có những cách làm đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành công việc của địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang, cán bộ trưởng thành từ cơ sở là nguồn lực rất quan trọng để xây dựng đội ngũ lãnh đạo nòng cốt, giữ những vị trí quan trọng ở cấp cao hơn. Bởi lẽ, khi về cơ sở công tác, những cán bộ này có cơ hội để phát triển toàn diện các mặt công tác. “Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như những nhiệm kỳ đến, Huyện ủy sẽ tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở và ngược lại, theo hướng đổi mới về tư duy, cách làm, đánh giá cán bộ từ thực tế; tập trung rà soát, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác luân chuyển, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian đến”, ông Vân nhấn mạnh.

TRỌNG HÙNG

.