Chính trị - Xã hội

Tăng nguồn lực bảo vệ môi trường biển

14:39, 14/12/2021 (GMT+7)

Bên cạnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thi công hoàn thành các công trình thu gom, xử lý nước thải ven biển, thành phố cũng nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm tăng nguồn lực và dự án bảo vệ môi trường biển.

Dự án Tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành đang được thi công nhằm thu gom nước thải và nước đầu cơn mưa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Dự án Tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành đang được thi công nhằm thu gom nước thải và nước đầu cơn mưa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Xử lý toàn bộ nước thải thu gom được

Nước thải là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường các bãi biển của thành phố trong những năm qua. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, thành phố rất quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là triển khai 2 dự án thu gom nước thải ven biển với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng nhằm bảo vệ môi trường biển.

Theo đó, dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà nhằm chuyển nước thải và nước mưa “bẩn” đợt đầu (thời gian đầu mỗi cơn mưa thường có nhiều bụi, rác, chất thải... trong nước) từ khu vực ven biển quận Sơn Trà về Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà xử lý trước khi đổ ra khu vực âu thuyền Thọ Quang. Dự án được khởi công vào tháng 2-2020 với thời gian thi công theo hợp đồng là 575 ngày, hoàn thành vào ngày 30-9-2021. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành hơn 70% khối lượng thi công. Vừa qua, UBND thành phố đã gia hạn tiến độ thi công dự án thêm 259 ngày, hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 6-2022...

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, hiện đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, trang thiết bị, bố trí tăng ca để bù đắp tiến độ thi công bị ảnh hưởng do tình hình Covid-19 và mưa, bão, phấn đấu thi công hoàn thành toàn bộ công trình đúng theo tiến độ đã cam kết, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2022. Cụ thể, gói thầu hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2022; gói thầu xây dựng Trạm XLNT Sơn Trà giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2021.

Giám đốc Văn phòng Công ty CP Kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng Phạm Văn Thuần (đại diện nhà thầu) thông tin: “Hiện chúng tôi đang thi công công trình Trạm XLNT Sơn Trà đáp ứng tiến độ thi công đã cam kết và được gia hạn. Hết tháng 12-2021, sẽ cơ bản hoàn thành công trình này”.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho biết, đơn vị đang chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công dự án Tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (khởi công vào đầu tháng 1-2021) bảo đảm tiến độ đề ra và sẽ hoàn thành vào tháng 6-2022. Đơn vị đã hoàn thành thi công nâng công suất Trạm XLNT Phú Lộc, nâng cấp Trạm XLNT Ngũ Hành Sơn và đưa vào vận hành.

Nhằm bảo vệ môi trường biển, thời gian qua, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An (tách và thu gom nước thải riêng hoàn toàn) đưa về Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn xử lý. Hiện đơn vị triển khai đấu nối trực tiếp nước thải từ các nhà dân, nhà hàng... vào hệ thống đường ống thu gom nước thải, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 6-2022.

Trước đó, tại quận Liên Chiểu, các tuyến thu gom nước thải dọc tuyến kênh Tân Trào - Hồng Thái, dọc tuyến kênh Đa Cô, xung quanh hồ Trung Nghĩa và hồ Hòa Phú... đã hoàn thành. Ông Tô Văn Hùng cũng cho biết, thành phố cũng rất quan tâm, triển khai sớm việc nâng công suất của 5 trạm XLNT nhằm xử lý hết nước thải thu gom được. Đến hết năm 2021, khi các trạm XLNT này hoàn thành, sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải trên địa bàn thành phố lên hơn 340.000m3/ngày.

Triển vọng hợp tác quốc tế về quản lý ô nhiễm môi trường biển

Theo Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường), Đà Nẵng đang thu hút rất nhiều dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, nhất là các dự án về quản lý, giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Theo đó, thành phố đang tham gia dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Thành phố cũng đang tham gia dự án Khép kín vòng tuần hoàn, xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) triển khai với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp Viện Nghiên cứu biển Plymouth (Vương quốc Anh) xây dựng dự án Sử dụng vệ tinh để phát hiện chất thải nhựa do con người gây ra để phát hiện mảnh vụn nhựa biển và truy vết đường đi của rác thải nhựa từ đất liền ra biển; triển khai hợp phần đánh giá giá trị kinh tế - xã hội của vịnh Đà Nẵng và khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ, carbon có nguồn gốc từ đất liền nhằm bảo đảm môi trường biển và các sinh cảnh có khả năng phục hồi.

Mới đây, ngày 1-12, tại diễn đàn Mạng lưới các chính quyền địa phương tham gia quản lý tổng hợp vùng bờ do Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) hỗ trợ (Mạng lưới PNLG), 52 thành viên chính quyền địa phương (của 10 quốc gia) và 3 thành viên liên kết đã bầu Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam làm Chủ tịch Mạng lưới PNLG nhiệm kỳ 2022-2025.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương, điều này giúp nâng cao vị thế, vai trò của Đà Nẵng đối với sự phát triển bền vững chung của khu vực biển Đông Á và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển của thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái môi trường biển và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, phức tạp thì đây sẽ là cơ hội để thành phố Đà Nẵng tận dụng để đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

HOÀNG HIỆP

.