Chính trị - Xã hội

Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

09:14, 29/12/2021 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 của UBND thành phố về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa tích cực, đặc biệt là thu gom hơn 1.760 tấn rác tái chế. Thời gian đến, các đơn vị, địa phương nỗ lực để thúc đẩy phân loại rác đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quản lý chất thải rắn bền vững.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trao các thiết bị chứa và xe đẩy thu gom rác tái chế cho các đơn vị cơ sở nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn vào ngày 10-12-2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trao các thiết bị chứa và xe đẩy thu gom rác tái chế cho các đơn vị cơ sở nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn vào ngày 10-12-2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chiều thứ Bảy hằng tuần, đại diện chi bộ, mặt trận, hội, đoàn thể khu dân cư (KDC) Hải Hạc 2, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) lại đẩy xe thu gom rác tái chế dọc các tuyến đường, kiệt, hẻm thu gom các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa... từ các hộ gia đình. Thùng xe thu gom rác tái chế này đã được nâng cao thêm 40cm và treo thêm các bao đựng vỏ lon, vỏ chai nhựa bên ngoài, vì trữ lượng rác tái chế thu gom được ngày càng nhiều hơn do các hộ kinh doanh cá thể và hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác.

Bà Phan Thị Ngọc Hân, Trưởng ban công tác mặt trận KDC Hải Hạc 2 chia sẻ: “Dù đã nâng thêm thùng nhưng chiều thứ Bảy nào chúng tôi cũng thu được 2 xe đầy rác tái chế, có hôm thu được 3 chuyến xe đầy. Số tiền thu được từ bán rác tái chế khoảng 2 triệu đồng/tháng”. Bí thư chi bộ KDC Hải Hạc 2 Phạm Xuân Thạnh thông tin thêm, KDC triển khai rộng việc phân loại rác thải tại nguồn từ tháng 9-2020. Đến nay, toàn bộ 240 hộ dân ở 4 tổ dân phố đều đã phân loại rác. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, KDC thu được 18 triệu đồng từ bán rác tái chế và được sử dụng để hỗ trợ các hộ khó khăn, khuyến học...

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 Nguyễn Thị Việt Trang, phường đã thành lập 9 tổ tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác và thu gom rác tái chế. Các tổ tiến hành thu gom rác tái chế sau phân loại rác hằng tuần. Tính từ tháng 9-2020 đến giữa tháng 12-2021, 9 tổ thực hiện hơn 200 lượt thu gom rác tái chế và bán thu được hơn 45 triệu đồng nhằm gây quỹ an sinh xã hội, chăm lo và hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo ở KDC. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu Huỳnh Thị Mộng Huyền cho biết, tổng khối lượng rác tái chế được các phường trên địa bàn quận thu gom được trong 2 năm qua khoảng 750 tấn.

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà thông tin, bên cạnh quận Hải Châu, Thanh Khê là quận thực hiện rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn trong hơn 2 năm qua và đã thu gom rác tái chế được 633 tấn. Tiếp sau đó là huyện Hòa Vang với 249 tấn rác tái chế, các quận khác thu gom được 130 tấn rác tái chế. Hiện đã có 83% tổng số tổ dân phố đã thực hiện phân loại rác tại nguồn... Tuy nhiên, tổng số hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện phân loại rác tại nguồn chỉ ở mức trung bình nên cần phải đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phân loại rác tại hộ gia đình và doanh nghiệp.

“Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục truyên truyền, hướng dẫn và đẩy mạnh tổ chức phân loại rác tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại rác, quản lý rác thải nhựa; thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện phân loại rác. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục tăng cường kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ các địa phương quản lý rác, phân loại rác tại nguồn và quản lý rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Kim Hà nhấn mạnh.

Tại hội thảo khoa học về quản trị môi trường địa phương, đổi mới mô hình quản lý tài nguyên và chính sách thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu tổ chức ngày 23-11-2021, nhóm tác giả Trần Minh Đức và Nguyễn Hoàng Yến (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Đơn cử như mô hình thực hiện phân loại rác còn mang tính thử nghiệm, chưa thực hiện đồng bộ, hệ thống; các phường, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên quy mô rộng; chưa phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của chủ nguồn thải để phát huy hiệu quả giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác... Để thực hiện tốt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, một trong những công việc cần thành phố tập trung là phân loại rác bởi việc này có vai trò quan trọng, ảnh hưởng và quyết định đến hiệu quả của toàn bộ công tác quản lý chất thải rắn của thành phố.

HOÀNG HIỆP

.