Chính trị - Xã hội

Xóa chợ tạm để xây công viên vườn dạo

14:03, 10/12/2021 (GMT+7)

Chính quyền quận Thanh Khê và phường Tam Thuận đang tiến hành các thủ tục để giải tỏa chợ tạm Thuận Thành B, thay vào đó sẽ đầu tư xây dựng khu vui chơi, vườn dạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.

Mô hình khu vui chơi, vườn dạo sẽ được quận Thanh Khê xây dựng ngay sau khi giải tỏa chợ tạm, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Ảnh: Phường Tam Thuận cung cấp
Mô hình khu vui chơi, vườn dạo sẽ được quận Thanh Khê xây dựng ngay sau khi giải tỏa chợ tạm, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Ảnh: Phường Tam Thuận cung cấp

Chợ tạm Thuận Thành B rộng 149m2, nằm sâu trong hẻm 59, kiệt 112 đường Trần Cao Vân, hình thành và hoạt động hơn 50 năm qua. Theo người dân, ban đầu một số hộ buôn bán ở đầu kiệt 112 Trần Cao Vân. Sau khi chính quyền di dời nghĩa địa trong khu vực thì các hộ dời vào bãi đất trống này để buôn bán. Đến năm 1969, chợ tăng số hộ kinh doanh, hình thành nên chợ tạm Thuận Thành B. Chợ hoạt động 6 - 11 giờ hằng ngày với gần 40 tiểu thương.

Hiện chợ tạm Thuận Thành B không còn đáp ứng các điều kiện bảo đảm yêu cầu hoạt động của chợ thông thường. Chủ tịch UBND phường Tam Thuận Hồ Đàm Như Nga cho biết, chợ nằm sâu trong khu dân cư, đan xen nhiều kiệt hẻm nhỏ, mật độ dân cư đông đúc. Chợ có diện tích quá nhỏ, lại ẩm thấp, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm môi trường thường trực, nguy cơ cháy nổ rất cao.

“Chính điều kiện không bảo đảm như trên nên công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại đây rất khó khăn, phức tạp. Thực tế cho thấy, khu vực này đã xuất hiện nhiều ca F0 gồm các hộ buôn bán và người đi chợ, từ đó phát tán ra cộng đồng xung quanh. Chợ trở thành điểm nóng, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Bên cạnh đó, các hộ buôn bán trong chợ chủ yếu kéo điện từ các hộ xung quanh chợ (do chợ không có nguồn điện) nên nguy cơ cháy nổ rất lớn”, bà Nga nói.

Bà N.T.M.A, hộ dân ở sát chợ chia sẻ, tuy chợ hình thành lâu đời, đáp ứng nhu cầu đi chợ của người dân trong khu vực. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của đô thị, cũng như người dân quen dần với văn hóa thương mại mới, nên để chợ tạm tồn tại là không còn phù hợp. Chợ vừa nhỏ, lại nằm sâu trong hẻm, đường đi hẹp chỉ vừa 2 xe gắn máy tránh nhau. Ngày họp chợ, hộ buôn bán đặt hàng tràn ra hết kiệt, hẻm. “Nhà mình đấy mà mấy hộ tiểu thương giành ngay mặt tiền để buôn bán, rồi còn nói nọ kia khi bị nhắc nhở. Thậm chí còn gây khó dễ dù người ta chở con đi học. Còn nhà ai sửa chữa, xây mới, thì phải chờ chợ tan mới có điều kiện kéo vật liệu vào làm”, bà A. nói.

Công viên vườn dạo sẽ thay thế chợ tạm

Theo bà Nga, sau khi giải tỏa chợ tạm Thuận Thành B, quận sẽ đầu tư xây dựng khu công viên, vườn dạo đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như địa phương. “Hiện toàn phường chưa có một thiết chế văn hóa cơ sở nào. Việc giải tỏa chợ tạm Thuận Thành B để xây dựng công viên phục vụ nhân dân là rất cần thiết”, bà Nga cho hay.

Tại buổi họp dân để thông báo chủ trương về xóa chợ tạm, xây dựng công viên, vườn dạo, ông Đinh Hữu Tiệp, người dân sống trong khu vực Thuận Thanh B cho biết, chủ trương của quận, phường là đúng, phù hợp với điều kiện thực tế. Khi xóa chợ tạm sẽ triển khai xây dựng khu vui chơi, vườn dạo là đúng với tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân. Tuy nhiên, ông Tiệp đặt ra vấn đề giải quyết bài toán mưu sinh cho các hộ buôn bán trong chợ thế nào cho bảo đảm, đồng thời quá trình đầu tư xây dựng công viên, vườn dạo phải nhanh chóng, minh bạch, đừng để giải tỏa xong rồi bỏ trống dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Theo bà Nga, hiện phường đang vận động các hộ tiểu thương chấp hành chủ trương cũng như tìm giải pháp phù hợp nhất bảo đảm an sinh xã hội cho họ. Bên cạnh đó, phường cũng đang xúc tiến các thủ tục liên quan để tiến hành đầu tư thiết chế văn hóa này.

Chánh văn phòng UBND quận Thanh Khê Tào Hùng cho biết, quận đã thống nhất chủ trương giải tỏa chợ tạm và xây dựng khu vui chơi, vườn dạo tại khu vực Thuận Thành B. Hiện chủ trương xây dựng khu vui chơi, vườn dạo đã được UBND quận phê duyệt với kinh phí 500 triệu đồng, hoàn thành ngay trong năm 2021. Mặt khác, quận cũng thống nhất hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề và chờ bố trí địa điểm mới cho các hộ buôn bán thường xuyên, tổng kinh phí 200 triệu đồng. Đối với các tiểu thương từ nơi khác đến, quận cũng đã có công văn đề nghị các tỉnh tạo điều kiện tiếp nhận và bố trí nơi buôn bán cho họ.

TRỌNG HUY

.