Là mảnh đất giàu tiềm năng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, Đà Nẵng thu hút hàng ngàn lao động nhập cư đến học tập, làm việc và sinh sống, trong đó không ít người chọn vùng đất hiền hòa, thơ mộng này làm quê hương thứ hai.
Nhiều người chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai không chỉ bởi nét hiền hòa, thơ mộng của vùng đất này mà còn bởi những chính sách an sinh xã hội nhân văn của thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN |
“Đất lành chim đậu”
Sau 4 năm theo học tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, năm 2010, anh Trần Hải (quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) quyết định ở lại Đà Nẵng lập nghiệp. Mong muốn của anh được gia đình, người thân ủng hộ.
Anh Hải nói, Đà Nẵng để lại cho anh nhiều ấn tượng, từ lối sống tích cực, thân thiện của người dân đến môi trường công sở văn minh, dễ thích nghi với cái mới. Ngoài ra, một trong những lý do khiến anh chọn Đà Nẵng làm nơi gắn bó lâu dài, là muốn mang lại cho con một môi trường học tập năng động, cởi mở, hướng đến mục tiêu làm công dân toàn cầu.
Hơn 10 năm sống tại Đà Nẵng, gia đình anh Hải được người dân xung quanh quý mến. Mỗi ngày, anh chạy xe từ nhà ở tổ 9, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đến Trường THCS Hồ Nghinh (quận Hải Châu) làm việc. Con đường tới trường rộng rãi, mát mẻ, chưa bao giờ xảy ra tình trạng kẹt xe khiến anh thích thú.
Anh cho hay, trong thời gian Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19, sự quan tâm của chính quyền địa phương, tổ trưởng tổ dân phố làm anh cảm động.
“Tôi không rõ tổ trưởng dân phố của tôi họ gì, chỉ biết bác tên Mai. Thời gian thành phố giãn cách, bác Mai đến từng nhà nhắc nhở, tuyên truyền về dịch bệnh cũng như phân phát rau củ, nhu yếu phẩm, vận chuyển hàng hóa giúp bà con trong tổ và nhiều vấn đề khác nữa. Có thể nói, sự quan tâm của chính quyền và bác Mai khiến tôi ấm lòng và thật sự biết ơn”, anh Hải chia sẻ.
Năm 2019, sau 11 năm lập nghiệp tại Hà Nội, anh Nguyễn Minh Tuyến (quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Giám đốc Công ty TNHH Khởi Nguyên, quyết định lập chi nhánh công ty tại Đà Nẵng. Vài tháng đi lại giữa Hà Nội - Đà Nẵng, anh quyết định mua đất, xây nhà tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Xây nhà xong, anh đưa vợ con vào Đà Nẵng sinh sống.
Vùng đất mới trong lành, thoáng mát giúp anh có nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình. Mỗi ngày vợ chồng anh thức dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe dọc bờ sông Hàn hoặc sang khu vực biển Mỹ Khê. Với chiếc xe bán tải, gia đình thường xuyên đi dã ngoại ở bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân hay các xã phía tây Hòa Vang. “Sau thời gian ngắn sinh sống, tôi thấy Đà Nẵng thật tuyệt vời. Ở đây khí hậu trong lành, ra đường ít lo bị cướp giật, cộng với môi trường kinh doanh mở, nhiều chính sách hấp dẫn nên chúng tôi quyết định gắn bó, tạo nền tảng phát triển sự nghiệp”, anh Tuyến nói.
Cũng theo anh Tuyến, những năm gần đây, Chính phủ tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng khu vực miền Trung. Tại Đà Nẵng, nhiều dự án lớn được triển khai hoàn thiện như đường hầm xuyên đèo Hải Vân, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng… Bên cạnh đó, một số khu kinh tế vệ tinh như Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) trở thành cơ hội phát triển doanh nghiệp Khởi Nguyên.
“Chúng tôi nhận ra từ Đà Nẵng có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều nơi, thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, máy móc thi công công trình. Tôi nghĩ, Đà Nẵng là vùng đất khởi nghiệp tuyệt vời, đáp ứng các nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp”, anh Minh Tuyến cho biết thêm.
Tạo điều kiện an cư
Một trong những lý do giúp anh Lê Ngọc Tuấn (quê huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) gắn bó lâu dài ở thành phố này là chính sách an cư dành cho đội ngũ cán bộ trẻ. Anh Tuấn kể, năm 2008, anh cùng vợ (quê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) quyết định vào Đà Nẵng lập nghiệp. Mấy tháng sau, anh được một cơ quan khối Đảng trên địa bàn quận Cẩm Lệ nhận vào làm việc, còn vợ công tác tại một trường tiểu học ở quận Hải Châu.
Cuộc sống vợ chồng son hạnh phúc trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2 trên đường Phạm Văn Nghị. Dù vậy, giá bất động sản ở Đà Nẵng đắt đỏ nên sau 5 năm dồn góp, anh chị vẫn chưa thể mua được “miếng đất cắm dùi”. Đó cũng là khoảng thời gian vợ chồng anh lần lượt đón 2 con chào đời. Gia đình thêm người, không gian phòng trọ thêm phần chật chội. Thương các con không có nơi sinh hoạt, năm 2013, anh Tuấn viết đơn xin thuê nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước. Sau 3 tháng chờ đợi, anh nhận thông báo từ UBND thành phố, đồng ý cho gia đình thuê một căn hộ chung cư ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).
“Ngày dọn về nhà mới, chúng tôi mừng rơi nước mắt vì bước đầu cuộc sống có sự ổn định. Ba mẹ chúng tôi ở quê hay tin cũng vui, liên tục gọi điện chúc mừng con cháu. Mới đó mà 8 năm trôi qua, cuộc sống tại chung cư rất thoải mái, quan trọng hơn hết, là gia đình được nhập khẩu về chung cư, tham gia mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội theo yêu cầu của UBND phường, quận, đây là điều khiến chúng tôi vui nhất, vì có cảm giác mình đã là công dân Đà Nẵng”, anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Việt Hùng (quê huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, anh đang thuê căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) với mức phí hằng tháng phải đóng rơi vào khoảng 500.000 đồng. Đầu tháng 10-2021, nghe thông tin Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (quận Liên Chiểu) mở bán 1.032 căn nhà ở xã hội, anh bàn với vợ đăng ký mua. “Tôi thấy việc mua bán nhà ở xã hội ở Đà Nẵng hiện nay khá công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người ngoại tỉnh an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống để toàn tâm, toàn ý cống hiến vì sự phát triển của thành phố trong tương lai”, anh Hùng bộc bạch.
TIỂU YẾN