Hòa Vang chuyển mình theo hướng đô thị

.

Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua, huyện Hòa Vang đã có những đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Đặc biệt, các công trình, dự án quan trọng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Bộ mặt đô thị Hòa Vang thay đổi đáng kể nhờ đầu tư phát triển hạ tầng. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG - XUÂN SƠN
Bộ mặt đô thị Hòa Vang thay đổi đáng kể nhờ đầu tư phát triển hạ tầng. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG - XUÂN SƠN

1. Hòa Bắc một sáng cuối năm, không khí se se lạnh không thể ngăn được những bước chân người dân nơi đây về Nam Yên Homestay để học hỏi cách làm du lịch cộng đồng theo dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng” của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ. Từ những người dân mộc mạc chỉ quen với ruộng vườn, nương rẫy, nay họ được tiếp cận những dự án du lịch mang lại tiềm năng kinh tế nhưng vẫn thân thiện với môi trường, lưu giữ và phát huy văn hóa bản địa.

Những chính sách của địa phương đã bắt kịp với thời cuộc để giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tại buổi tập huấn, ai cũng hứng khởi và mong muốn được bắt tay vào làm du lịch bằng việc tận dụng những gì có sẵn của gia đình và địa phương, qua đó, chung tay bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ văn hóa dân tộc Cơ tu để phát triển du lịch sinh thái. Thông qua một chủ homestay, những sản phẩm địa phương của người dân được kết nối thành một chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Những ngôi nhà homestay bằng gỗ cũng bắt đầu mọc lên thấp thoáng sau những khu vườn xanh ăm ắp những hàng cau, hàng chuối cùng những loại cây ăn quả khác.

"Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Hòa Vang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần tiến công cách mạng, tập trung sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; chung sức đồng lòng phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng; phấn đấu xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã mang bản sắc riêng”
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn

Hòa Bắc là xã miền núi xa nhất huyện Hòa Vang nhưng cũng không còn xa lạ với du khách, với người dân thành phố khi nơi đây đã và đang hình thành một số khu du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo cơ hội cho du khách được thăm thú, tìm hiểu, trải nghiệm cảnh sắc và văn hóa bản địa. Để đáp ứng cho sự phát triển này, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được thành phố và huyện đầu tư nâng cấp, nhiều đường liên thôn, liên xã trở nên khang trang, sạch đẹp.

Trong 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (Nông thôn mới), huyện đã thực hiện 170,744km đường giao thông; 108,09km giao thông kiệt, hẻm; 15,671km giao thông nội đồng; 46,983 km đường giao thông liên thôn với tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hơn 2.442 tỷ đồng.

Huyện đã chú trọng công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm do Trung ương, thành phố đầu tư, để góp phần hoàn thiện hạ tầng, đưa vào sử dụng tạo động lực cho sự phát triển của thành phố nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng như: đường vành đai phía Tây, đường ĐH2, đường ĐT 601, mở rộng quốc lộ 14B...

Đặc biệt, nghiên cứu tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu để áp dụng cho các khu đô thị mới trên địa bàn huyện, trên cơ sở đề xuất xây dựng các khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái, khu đô thị sườn đồi phù hợp với từng địa bàn. Từng bước hình thành các khu đô thị mới dọc sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ trên địa bàn các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn theo đặc thù đô thị Hòa Vang mang bản sắc riêng, bảo đảm cảnh quan, sinh thái, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn huyện Hòa Vang đã thay đổi rõ rệt và có nhiều khởi sắc vượt bậc so với những ngày thành phố mới tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trực thuộc thành phố Trung ương. Khoảng cách, điều kiện sống và mức thu nhập giữa người dân nông thôn và thành thị rất lớn. Huyện đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2 (2016-2020) trước một năm so với kế hoạch, trong đó 2 xã Hòa Châu và Hòa Tiến đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao năm 2020, 16 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu.

2. Từ một huyện thuần nông, với những chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch chung của thành phố, buộc huyện phải có những chính sách giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 3 chương trình đột phá về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”, “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để phát triển đô thị” và “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong tình hình mới”. Cùng với quyết sách của Đảng bộ huyện là sự đồng thuận cao của người dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã quy hoạch 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 210ha để kêu gọi đầu tư.

Hình thành 16 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, đặc biệt đưa vào sản xuất 2 mô hình rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú) đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh triển khai mô hình bưởi Hòa Ninh với diện tích 10ha, huyện phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhờ đó đã giúp nông dân thay đổi mô hình sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,7%/năm (trong giai đoạn 2015-2020).

Những tiềm năng du lịch cũng được khai thác, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách huyện. Nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đã trở thành những tuyến, điểm du lịch không thể thiếu trong các điểm đến ưu tiên của du khách khi đến Đà Nẵng, đó là khu du lịch Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Hòa Phú Thành, Suối Hoa, Ngầm Đôi...

Bên cạnh đó, đưa vào khai thác dịch vụ homestay kết hợp du lịch cộng đồng tại thôn Giàn Bí, Tà Lang, xã Hòa Bắc và tuyến du lịch sinh thái đường sông. Điều này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Hòa Vang đến bạn bè trong nước và quốc tế mà còn giúp người dân hưởng lợi từ tiềm năng thiên nhiên, văn hóa do chính họ tạo nên, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường và gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, nhất là văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội của đồng bào Cơ tu.

3. Cùng với phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Hòa Vang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành và ra đời như Khu Công nghệ cao, Khu Công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn. Một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng hằng năm khá như sản xuất trang phục tăng 50%; sản xuất thực phẩm, đồ uống tăng 25%; sản xuất tủ, bàn, ghế tăng 12%... Nhờ đó, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng bình quân 12,9%/năm.

Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và nhân dân huyện Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là: phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng phát triển Hòa Vang theo hướng đô thị có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện hiệu quả chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch.

Trong đó, tập trung vào 3 hướng đột phá: Đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 11/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Với những quyết sách mạnh mẽ và bề dày truyền thống cách mạng, người dân Hòa Vang kỳ vọng mục tiêu xây dựng huyện trở thành thị xã vào năm 2025 là hoàn toàn đạt được.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.