Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường hợp tác quốc tế để huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường và triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố và đã đạt một số kết quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức ký kết trực tuyến để khởi động dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiều dự án hỗ trợ quản lý rác thải
Cuối tháng 12-2021, Tổ chức iDE (phi chính phủ) tại Việt Nam quyết định tài trợ dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” và đề nghị thành phố phối hợp triển khai thực hiện dự án có kinh phí 10 triệu krone (Đan Mạch), tương đương 37,86 tỷ đồng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ.
Theo đó, từ nay đến tháng 2-2024, dự án sẽ có các hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về rác thải nhựa; bảo đảm nguồn cung rác thải nhựa đầu vào ổn định cho các hoạt động sản xuất đầu ra trong chuỗi giá trị; tăng nhu cầu đầu ra cho các thành phẩm nhựa tái sinh và các sản phẩm gia công từ rác thải nhựa thấp dùng một lần...
Giám đốc Văn phòng dự án tại Việt Nam của Tổ chức iDE Nguyễn Văn Quảng chia sẻ: “Chính quyền thành phố Đà Nẵng rất cởi mở, năng động trong việc hợp tác và tìm giải pháp cải thiện vấn đề rác thải nhựa. Thành phố cũng đã ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030...
Trên cơ sở làm việc với Sở TN&MT, iDE cam kết thực hiện dự án tại Đà Nẵng với mục tiêu tăng 25% lợi nhuận cho các thành phần kinh tế tham gia hệ sinh thái rác thải nhựa; thu gom, xử lý và tiêu thụ 3.500 tấn rác thải nhựa; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa lên 35% (hiện nay là dưới 15%); đầu tư vào nền kinh tế rác thải nhựa tại thành phố khoảng 3 triệu krone (khoảng 11,3 tỷ đồng)”.
Có thể thấy, những mục tiêu và hoạt động của dự án mới này hứa hẹn sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Trước đó, UBND thành phố đã phê duyệt tiếp nhận dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (Nhật Bản) đến năm 2024” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,63 tỷ đồng.
Thành phố đang triển khai dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ...
Nhiều hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu
Thành phố Đà Nẵng không chỉ thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế mà các mạng lưới khu vực, toàn cầu cũng mời gọi Đà Nẵng tham gia vào mạng lưới. Ngày 3-12-2021, Tổng thư ký Mạng lưới Thỏa thuận toàn cầu của các thị trưởng trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng (GCoM) khu vực Đông Nam Á Bernadia Irawati Tjandradewi gửi thư đề nghị thành phố Đà Nẵng tham gia Mạng lưới GCoM do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2021-2023.
Trong thư mời, Tổng thư ký nhấn mạnh: “Việc tham gia Mạng lưới GCoM sẽ tạo điều kiện để các đô thị kết nối với các nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện kế hoạch hành động biến đổi khí hậu của địa phương mình trong những năm tới. Chúng tôi mong nhận được sự tham gia của thành phố Đà Nẵng trong Mạng lưới GCoM để đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới”.
Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) Nguyễn Thị Kim Hà bày tỏ hy vọng sẽ thu hút các dự án mới về thích ứng biến đổi khí hậu khi thành phố tham gia vào Mạng lưới GCoM, giúp tăng thêm nguồn lực bảo vệ môi trường cho thành phố.
Thời gian qua, thành phố đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ Đà Nẵng quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa... với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. “Hơn 70 tỷ đồng là con số nói lên sự quan tâm của các tổ chức quốc tế đối với công tác quản lý chất thải rắn nói riêng và công tác bảo vệ môi trường của Đà Nẵng nói chung.
Đặc biệt, thành phố cũng đón nhận sự hỗ trợ quý giá, không thể tính được giá trị là nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia với hơn 25 cán bộ đầu mối, chuyên gia kỹ thuật tham mưu cho lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo thành phố về công tác quản lý chất thải rắn, môi trường...
Hiện nay, bên cạnh việc phối hợp, nghiên cứu xây dựng các chính sách sâu hơn, chúng tôi cũng đã và đang chuyển giao những nguồn lực hỗ trợ nói trên cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố để thực hiện có hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Kim Hà nói.
HOÀNG HIỆP