Chính trị - Xã hội
Nỗ lực vượt khó giải phóng mặt bằng các dự án
Năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội , trong đó có công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án. Tuy nhiên, các đơn vị, địa phương tích cực triển khai giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh công tác GPMB.
Năm 2021, huyện Hòa Vang nỗ lực triển khai các giải pháp để kịp thời giải phóng mặt bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. TRONG ẢNH: Sự chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng của huyện Hòa Vang giúp dự án Nhà máy nước Hòa Liên sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ảnh: N.P |
Nhiều khó khăn, thách thức
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang thực hiện GPMB đối với 248 dự án. Tính đến giữa tháng 11-2021, hoàn thành 30/248 dự án, đạt 12,10%. Trong đó, dự án nhóm 1 năm 2018 (nhóm những dự án yêu cầu bàn giao mặt bằng hoàn thành trước 30-4-2021), tính đến giữa tháng 11-2021 có 17 dự án, đã hoàn thành 1 dự án, còn 16 dự án chưa hoàn thành. Dự án nhóm 1 năm 2021 (nhóm những dự án yêu cầu bàn giao mặt bằng hoàn thành trong năm 2021), đến tháng 11-2021 đã hoàn thành 23/116 dự án, đạt 19,80%. Dự án nhóm 2 năm 2021 (nhóm dự án hoàn thành trong năm 2022), đến tháng 11-2021 hoàn thành 6/115 dự án, đạt 5,20%.
Lý giải nguyên nhân GPMB còn chậm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Tô Văn Hùng cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, hội đồng GPMB các quận, huyện hạn chế tiếp công dân nên công tác vận động bàn giao mặt bằng các dự án còn chậm. Ngoài ra, công tác tổ chức cưỡng chế hành chính thu hồi đất đối với các trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng chưa được tổ chức thường xuyên nên công tác GPMB bị chậm trễ, không hoàn thành theo kế hoạch tiến độ UBND thành phố giao.
Bên cạnh đó, nhiều dự án kéo dài qua nhiều năm, do nhiều đơn vị thực hiện công tác GPMB, không bàn giao kịp thời, đến nay, đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa và vật kiến trúc biến động so với đơn giá quy định nên việc vận động hộ giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người dân sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng các công trình trái phép diễn ra khá phổ biến trước đây qua nhiều thời kỳ, vì vậy khi xác định pháp lý để áp giá bồi thường theo quy định của Nhà nước gặp nhiều trở ngại.
Ông Hùng cũng cho biết, trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư của dự án, các chủ đầu tư, quản lý dự án còn chưa khảo sát và chưa tính toán đầy đủ chi phí công tác đền bù giải tỏa, tái định cư nên khi triển khai thực hiện thiếu vốn và quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa, phải chờ bổ sung kế hoạch vốn và quỹ nhà đất tái định cư. Đồng thời giá trị đền bù thực tế của các dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị phê duyệt, dẫn đến số vốn đền bù thực tế vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt nên không được giải ngân kế hoạch vốn đền bù đã được bố trí...
Kinh nghiệm hay trong giải phóng mặt bằng ở Hòa Vang
Trong công tác GPMB, huyện Hòa Vang là địa phương thực hiện tốt với nhiều cách làm sáng tạo, được Thành ủy và UBND thành phố ghi nhận là “điểm sáng” của thành phố. UBND huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện đang triển khai thi công hơn 250 dự án. Năm 2021, địa phương thực hiện GPMB 62 dự án động lực, trọng điểm theo Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 8-2-2021 về việc ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2021 và 35 dự án do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư cùng một số dự án khác do các lực lượng vũ trang làm chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết, năm 2021, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, kết hợp với thiên tai làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, bám sát sự chỉ đạo, hỗ trợ của các sở, ngành và lãnh đạo thành phố, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, hỗ trợ của người dân, huyện có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, mạnh mẽ, linh hoạt.
Trước hết, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện giải tỏa, đền bù các công trình trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu hội đồng GPMB huyện cung cấp tình hình triển khai dự án, cụ thể từng trường hợp hồ sơ vướng mắc, tiến độ, lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành để Ban Thường vụ theo dõi, đi kiểm tra thực tế, đề xuất hướng giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thường trực Huyện ủy để họp giải quyết hoặc kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện phân công lãnh đạo UBND huyện phụ trách theo dõi, chỉ đạo từng dự án, trong đó gồm các thành viên của các ngành thuộc huyện, UBND các xã. Huyện triển khai mô hình “3 trong 1” trên lĩnh vực giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư (vừa tiếp dân, vừa chi tiền, vừa bố trí đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa).
Đặc biệt, địa phương tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Thường trực hội đồng bồi thường với người dân có đất bị thu hồi về phương án, cơ chế chính sách… để vận động, giải thích, thuyết phục. Song song đó, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp, giảm bớt bức xúc của người dân có đất bị thu hồi, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
“Địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giúp các hộ dân nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội và việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cả trước mắt cũng như lâu dài. Với các giải pháp nêu trên, tính đến hết tháng 12-2021, huyện đã hoàn thành GPMB 16/62 dự án, bàn giao mặt bằng hơn 2.000/3.724 hồ sơ, hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng 19 dự án động lực, trọng điểm...”, ông Tôn chia sẻ.
NGỌC PHÚ