Chính trị - Xã hội
Nơi sâu đậm nghĩa tình
Với tấm lòng yêu thương, sự biết ơn những người một thời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cán bộ, nhân viên Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) luôn vượt lên khó khăn để ân cần, tận tụy chăm sóc các cụ như người thân của mình, làm tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa”.
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe một cụ cao tuổi tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố. Ảnh: N.Đ |
Ngôi nhà đặc biệt
Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (gọi tắt là Trung tâm) nằm ở cuối đường Phan Tứ, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), nơi đây hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 53 trường hợp người có công cách mạng gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sĩ… có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa.
Hầu hết các cụ được chăm sóc, phụng dưỡng ở đây đều tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật, trong đó cụ thấp nhất 78 tuổi, cao nhất 106 tuổi. Dù vậy, trong ngôi nhà đặc biệt này luôn có tiếng trò chuyện vui vẻ. “Chồng con, người thân các cụ không còn nên các cụ mới vào đây sinh sống. Đây là ngôi nhà chung của các cụ lúc cuối đời, chúng tôi yêu thương, chăm sóc các cụ như chính cha mẹ mình vậy”, Phó Giám đốcTrung tâm Đoàn Thị Kim Ngọc cho hay.
Vào Trung tâm từ đầu năm 2016, sức khỏe vợ chồng cụ Huỳnh Đăng Chúc (92 tuổi) và Hồ Thị Ra (85 tuổi), trú phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cải thiện nhiều. Cụ Chúc cho biết, vợ chồng cụ bị nhiễm chất độc hóa học trong quá trình hoạt động cách mạng nên không có con cái.
Từ ngày vào đây, chất lượng cuộc sống hơn hẳn. Hằng ngày, hai cụ được cán bộ, nhân viên chăm lo cho từ bữa ăn, giấc ngủ. Cán bộ, nhân viên yêu thương các cụ như người nhà. “Mỗi người mỗi hoàn cảnh, tính nết khác nhau, nhưng khi vào đây sống xem như một đại gia đình, mọi người luôn động viên nhau sống an vui, vượt lên những khó khăn do ốm đau, bệnh tật tuổi già”, cụ Chúc nói.
Yêu thương các cụ như người thân
Trong tổng số 53 cụ sinh sống ở Trung tâm, có 30 cụ do tuổi cao, bệnh tật nằm bất động hoặc bán bất động. Chưa kể, nhiều cụ do tuổi cao, sức yếu thường xuyên đau ốm, cáu gắt… Vì thế, việc chăm sóc, phụng dưỡng các cụ là hành trình đầy khó khăn, vất vả, đòi hỏi cán bộ, nhân viên chịu thương, chịu khó.
Hơn 13 năm gắn bó với Trung tâm, công việc hằng ngày của nhân viên hộ lý Hoàng Thị Mạnh là dọn dẹp, chăm sóc các cụ ăn uống, vệ sinh… Chị Mạnh chia sẻ, với các cụ nằm một chỗ hoặc đi lại khó khăn, việc chăm sóc không dễ dàng gì. Nhiều lúc các cụ ốm, nằm bệnh viện, cán bộ, nhân viên phải chia ca, thay nhau thức trắng đêm chăm sóc.
Những lúc trái gió trở trời, các cụ đau nhức hoặc lên cơn sốt nên thường cáu gắt, khó chịu, song các chị luôn tươi cười, dỗ dành để các cụ bớt đau. “So với sự hy sinh của các cụ, những nỗi khó khăn, vất vả của chúng tôi bây giờ chưa thấm tháp gì. Bởi vậy, cán bộ, nhân viên luôn động viên nhau nỗ lực hết mình để chăm lo tốt cho người có công, luôn xem các cụ như những người ruột thịt trong gia đình. Việc chăm sóc không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương, thể hiện sự biết ơn đối với những người đã hy sinh cho đất nước”, chị Mạnh tâm sự.
Ngoài việc chăm lo chu đáo cho các cụ khi còn sống, công việc ma chay sau khi các cụ qua đời cũng được cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm lo chu đáo. Trường hợp cụ nào có người thân, xin đưa về chôn cất khi qua đời, trung tâm hỗ trợ.
Với những trường hợp không còn người thân, cán bộ, nhân viên Trung tâm tổ chức ma chay. Sau khi an táng xong, bàn thờ các cụ được lập tại khu vực nhà thờ ở Trung tâm. Hiện nơi đây đang thờ phụng 24 cụ. Theo Giám đốc Trung tâm Phạm Thị Oanh, cán bộ, nhân viên luôn xem các cụ như những người ruột thịt. Ngoài việc được chăm lo chu tất mọi thứ, các cụ còn được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, điều lãnh đạo Trung tâm băn khoăn hiện nay là theo quy định, chế độ tiền ăn hằng tháng mỗi cụ được hưởng 1,5 triệu đồng, tức là 50.000 đồng/người/ngày. Trong lúc các loại lương thực, thực phẩm tăng giá như hiện nay, mức tiền này ảnh hưởng đến khẩu phần ăn của các cụ. “Trước thực tế trên, chúng tôi có báo cáo lên cấp trên, mong được điều chỉnh tăng mức tiền ăn hằng tháng cho các cụ lên 2,1 triệu đồng/tháng, nhằm bảo đảm nguồn dinh dưỡng”, bà Oanh cho biết thêm.
NGỌC ĐOAN