Phát triển du lịch ở Hòa Bắc

.

Phát triển du lịch gắn kết nông nghiệp sinh thái, phát huy giá trị truyền thống văn hóa địa phương là hướng đi mà chính quyền, người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) hướng tới.

Du khách đến tham quan và nghe thuyết minh về các điểm du lịch trải nghiệm mới tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH TÌNH
Du khách đến tham quan và nghe thuyết minh về các điểm du lịch trải nghiệm mới tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH TÌNH

Cách đây hơn 5 năm, khi nhắc đến Hòa Bắc, người ta thường nghĩ đến việc phát triển kinh tế rừng. Mấy năm trở lại đây, người dân và du khách chọn đến Hòa Bắc bởi họ được trải nghiệm, tận hưởng khí trong lành cũng như thưởng thức các sản vật đặc trưng nơi đây.

Đưa sản phẩm nông nghiệp vào homestay

Ngoài các điểm vui chơi, dã ngoại ngoài trời, các điểm check-in mới mà giới trẻ thường lui tới, các homestay cũng bắt đầu trở thành nơi để trải nghiệm nét văn hóa, ẩm thực ở Hòa Bắc.

Mở ra từ tháng 9-2021, homestay Nam Yên do chị Đỗ Thị Huyền Trâm (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) là một trong những điểm đến hấp dẫn. Chị Trâm mạnh dạn bỏ công việc hành chính gắn bó nhiều năm để chuyển sang làm du lịch. Bằng sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi và thay đổi từng ngày theo những phản hồi của du khách, chị Trâm không những làm chủ được kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động. Homestay của chị Trâm còn là nơi tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Nếu đến homestay Nam Yên, người dân và du khách sẽ thấy những sản vật địa phương đặc trưng như các túi chè dây, gạo hữu cơ, nải chuối, bó rau dớn, trái bưởi, ổi, chai mật ong hay dầu mè được gom góp được từ các hộ dân trong thôn bày bán trên kệ. Đa phần người dân và du khách khi đến homestay không chần chừ mua những sản phẩm này, thậm chí họ còn “nhờ vả” bà chủ Trâm đi mua thêm giúp họ các sản phẩm ngon, sạch, lành về miền xuôi làm quà.

“Không chỉ mua về mà khi lưu trú tại đây, người dân, du khách còn thưởng thức các đặc sản của Hòa Bắc như gà đồi, thịt lợn bản, lươn đồng, ếch, rau rừng… Vào các vụ mía, ớt, khoai, sắn, lạc..., chúng tôi cũng thu mua nông sản của nông dân và trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm cho họ. Bằng cách làm du lịch gắn kết nông nghiệp sinh thái, chúng tôi đang tạo ra một cộng đồng làm du lịch và nâng tầm sản phẩm địa phương”, chị Trâm lý giải.

Chung tay làm tăng giá trị sản phẩm đặc trưng

Nông nghiệp sinh thái ở Hòa Bắc gắn với các vườn rau, cây ăn trái, ruộng đồng, chuồng trại, ao cá, làng quê, cảnh quan núi rừng... Nhiều sản phẩm nông nghiệp được gắn kết với du lịch thông qua các homestay, vườn mẫu, thậm chí qua các quán ăn trên những con đường làng, ngõ xóm. Các lương thực, thực phẩm từ nông nghiệp được người dân, du khách biết đến nhiều hơn và đánh giá cao, song làm sao để giá trị sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, tạo sinh kế bền vững cho người dân là bài toán cần giải.

Về vấn đề này, ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Ngoài việc các hàng quán, homestay… hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương, chúng tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ Hòa Bắc trong việc tìm ra hướng đi bền vững, lâu dài cho nông sản địa phương”.

Ông Thanh cũng cho rằng, điều cần làm là những người nông dân phải sản xuất được các sản phẩm chất lượng, tiếp đến cùng nhau xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và những chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, có như vậy mới tăng giá trị sản phẩm, đóng góp vào kinh kế địa phương và cải thiện sinh kế cho người dân.

Theo TS. Chu Mạnh Trinh, chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn, Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm, Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Hòa Bắc, nông nghiệp sinh thái đang là lợi thế tiềm năng và là mũi nhọn của sinh kế cộng đồng Hòa Bắc.

Trong thời gian qua, theo giám sát và báo cáo, các sản phẩm nông nghiệp sinh thái Hòa Bắc chiếm được cảm tình của không ít người dân địa phương và du khách. Vì vậy, mục tiêu mà nhóm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng Hòa Bắc đang làm là thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp sinh thái gắn liền với du lịch cộng đồng, trở thành một chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Muốn vậy, một trong những bước đi mà nhóm đang làm là cùng chính quyền và người dân Hòa Bắc xây dựng chiến lược phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. “Chúng ta thường nghĩ rằng, đi du lịch là đến đó phải ăn thật no, ngủ thật sâu... mới xứng đồng tiền bỏ ra. Nhưng khách du lịch cần sự bình dị, dân dã và họ chọn Hòa Bắc chỉ vì họ muốn nạp năng lượng mới sau một tuần làm việc mệt mỏi, hay tạo nguồn cảm hứng trong cuộc sống.

Đến đó, họ được tận hưởng không khí trong lành, tham quan các cảnh đẹp, các con đường làng, ruộng lúa, bờ đê của Hòa Bắc, thưởng thức các món ăn ngon hay mang các sản phẩm địa phương về phố làm quà. Và không cách nào để giữ chân, thôi thúc người dân, du khách tìm đến Hòa Bắc nhiều hơn đó là những người làm quản lý, làm du lịch cần phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có đó”, TS. Chu Mạnh Trinh nhấn mạnh.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.