Chính trị - Xã hội

Thành tựu 25 năm qua tạo nền tảng vững chắc để thành phố bước sang giai đoạn phát triển mới

06:18, 01/01/2022 (GMT+7)

Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung tay góp sức, đoàn kết một lòng, đồng thuận, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng để xây dựng Đà Nẵng xứng đáng là đô thị cấp quốc gia, diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và những định hướng có tính chiến lược cho giai đoạn phát triển mới.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: NGỌC PHÚ

* Thưa Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí có thể chia sẻ những dấu ấn nổi bật nhất trong 1/4 thế kỷ kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

- Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sự kiện hành chính này mở đầu một giai đoạn phát triển đặc biệt, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Trải qua 25 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, xã hội.

Thành phố Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó nhiều hoạt động để lại dấu ấn nổi bật. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế mở rộng, vị thế thành phố được nâng cao, tạo thế và lực mới cho thành phố đẩy mạnh phát triển và hội nhập.

Thành phố đã lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các chủ trương, chính sách của Trung ương để tạo động lực cho sự phát triển.

Kinh tế thành phố phát triển toàn diện và đạt được tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển đồng bộ. Các chủ trương về khai thác quỹ đất, tạo vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng với công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư tuy có quy mô khá lớn nhưng đã được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” được triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của suy giảm kinh tế do Covid-19, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Ngày 29-3-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thứ hai, phải sang) trao các nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ hai, trái sang); Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đón nhận các quyết định và hoa chúc mừng của Chính phủ.Ảnh: TRIỆU TÙNG
Ngày 29-3-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thứ hai, phải sang) trao các nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ hai, trái sang); Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đón nhận các quyết định và hoa chúc mừng của Chính phủ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Như đồng chí vừa trao đổi, những thành tựu của Đà Nẵng trong 25 năm qua rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân và sự yêu mến của bạn bè trong nước và quốc tế. Vậy đâu là những điều cốt lõi làm nên thành công đó, thưa đồng chí?

- Những thành tựu của thành phố trong 25 năm qua là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, những điều cốt lõi làm nên thành công đó là đánh giá, nhận định đúng, kịp thời tình hình liên quan đến thành phố, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp; từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung thực hiện.

Trong lãnh đạo, quản lý điều hành phải mạnh dạn, quyết liệt, hiệu quả và đúng các quy định của pháp luật. Thành phố đã tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, mạnh dạn đề xuất, kiên trì, quyết liệt trong việc đề nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh, bền vững; đầu tư giải quyết những vấn đề có tính cơ bản, lâu dài; đồng thời tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp mới nảy sinh theo từng chuyên đề và đối tượng cụ thể. Thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm ngay từ đầu.

Thành phố đã phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời đối thoại và giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường đồng thuận nhằm thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách trên địa bàn thành phố. Địa phương cũng bảo đảm mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội; phải thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và động lực chủ yếu cho phát triển. Thành phố giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Đà Nẵng phải thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.

Một trong những điều cốt lõi mà tôi muốn nhấn mạnh là thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng được sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Có thể nói, đó chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng, là nền tảng và là động lực cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Một trong những điều cốt lõi mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng được sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Có thể nói, đó chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng, là nền tảng và là động lực cho sự phát triển bền vững của thành phố”
Chủ tịch UBND thành phố  Lê Trung Chinh

* Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Để hiện thực hóa các nội dung này, thành phố đã và đang thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì và huy động nguồn lực nào để đưa Đà Nẵng phát triển xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của người dân thành phố?

- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo.

Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhất là đầu năm 2020 đến nay, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước và thành phố. Trước tình hình đó, toàn bộ hệ thống chính trị đã nhanh chóng và chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, chương trình đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng, hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt một số chính sách, quy hoạch lớn, mang tính chiến lược, như: phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại thành phố Đà Nẵng; Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng ban hành Quyết định số 05/2021/QĐ-TTg ngày 8-2-2021 Quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng; thành phố đang trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Lễ trao biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư giữa Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) với Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo (phải) và Chủ tịch Tập đoàn BRG (trái) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 25-11-2021 tại Nhật Bản. Ảnh: CTV
Lễ trao biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư giữa Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) với Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo (phải) và Chủ tịch Tập đoàn BRG (trái) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 25-11-2021 tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Thành phố cũng chủ động đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương triển khai thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng; đề án thành lập Khu phi thuế quan; việc xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng; đề án phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng...

Đồng thời, thành phố đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có tính pháp lý liên quan đến việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, các bản án của tòa án, các kiến nghị của kiểm toán…Cùng với đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quan trọng có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố như dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; Khu đô thị Đại học Đà Nẵng; Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan); Nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B (đoạn còn lại qua địa phận Đà Nẵng); dự án Mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2)…

Tất cả các hoạt động trên của thành phố bước đầu tạo nền tảng, tiền đề để hướng tới mục tiêu đến năm 2045 để thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

* Thành phố vừa trải qua năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của Covid-19. Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, thành phố sẽ triển khai các giải pháp đột phá gì để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, thưa đồng chí?

- Trước hết, vẫn phải khẳng định rằng, Covid-19 vẫn đang là thách thức lớn nhất cho mọi kế hoạch phát triển, phục hồi kinh tế của thế giới nói chung trong thời gian đến. Để chủ động, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Với kế hoạch này, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng khác nhau nhằm chủ động triển khai theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Và dù là kịch bản nào đi nữa, thành phố cũng quan tâm đặc biệt đến các mục tiêu về công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm tạo sự ổn định, bền vững cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2022, một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố là rà soát đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, lao động... Xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng chính là “sức khỏe” của nền kinh tế, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới và nằm trong khả năng, thẩm quyền của thành phố.

Cụ thể như: thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình, thời gian thực hiện, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, chấp thuận chủ trương đầu tư… Nghiên cứu việc triển khai các đường dây nóng của từng sở, ban, ngành, quận, huyện để hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao...; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai nhanh các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo động lực thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, địa phương cũng khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục, khắc phục kịp thời việc chậm trễ, tồn đọng hồ sơ; chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, các kết luận thanh tra, kiểm toán, tòa án, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng để khơi thông nguồn lực đất đai, sớm triển khai, đưa các dự án vào hoạt động.

Sự phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng thông qua các dự án, công trình trọng điểm đã và đang triển khai là động lực cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: N.X.T
Sự phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng thông qua các dự án, công trình trọng điểm đã và đang triển khai là động lực cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: N.X.T

Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi các ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể thì thành phố cũng ưu tiên thực hiện giải pháp thúc đẩy nguồn lực đầu tư công với việc tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt hiệu quả cao nhất; bố trí vốn đầu tư tập trung, hiệu quả, đúng quy định, bảo đảm bám sát quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải.

Đồng thời, thành phố thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành ngân sách Nhà nước trong thu, chi ngân sách; thực hiện công tác y tế, giáo dục, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Đối với quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội thì nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, dư luận trong nhân dân, xây dựng phương án chủ động phát hiện, xử lý ngay từ cơ sở những dấu hiệu có thể gây mất ổn định an ninh, trật tự, phát sinh thành “điểm nóng”, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thành phố chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh không để tội phạm gia tăng phức tạp; duy trì và làm tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý an ninh trật tự, giao thông trên địa bàn.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã trả lời phỏng vấn!

TRIỆU TÙNG thực hiện

.