Chính trị - Xã hội
Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26: Thủ tướng gợi mở 8 nội dung
Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Chiều 13-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chủ trì Cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 như: Kết quả tham dự Hội nghị COP26 và việc tổ chức thực hiện các cam kết; Đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo...
Các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm thảo luận, phân tích về các định hướng đề xuất chương trình, dự án, nhiệm vụ triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26; nhu cầu hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; định hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đón đầu các dòng vốn tín dụng, đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng chống biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của cả thế giới. Do là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động tới toàn dân, mọi doanh nghiệp nên phải được tiếp cận toàn dân, mọi doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Chống biến đổi khí hậu là vấn đề tác động, liên quan đến mọi ngành, lĩnh vực, địa phương nên phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể; lấy cấp cơ sở làm nền tảng; đồng thời kết hợp hài hòa, hiệu quả, hợp lý giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với các chuyển đổi khác.
Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 có những thuận lợi song có những khó khăn. Do đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Để làm được điều này, tư tưởng phải thông; mục đích phải thống nhất; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành rà soát bổ sung thể chế; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý... để thực hiện các cam kết, chống biến đổi khí hậu.
Ngay trong năm 2022, chương trình tổng thể phải ban hành được, trong đó dự báo được tình hình; mục tiêu, quan điểm; nhiệm vụ, giải pháp; kế hoạch tổ chức thực hiện; huy động nguồn lực... để trình cấp có thể quyền xem xét... Các bộ, ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch thuộc bộ, ngành mình về chống biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Người đứng đầu Chính phủ gợi mở 8 nội dung cần tập trung thực hiện gồm: tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; kế hoạch giảm phát thải khí metan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; phát triển rừng để hấp thu khí CO2; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành tổ chức gặp gỡ các đối tác, các nhà tài trợ, các nhà khoa học... để tranh thủ trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực; đồng thời tìm tiếng nói chung giữa cung và cầu; lựa chọn cán bộ có trình độ, trí tuệ, có lòng đam mê, tâm huyết, nhiệt huyết và có chế độ, chính sách thỏa đáng để đội ngũ cán bộ này làm việc hiệu quả, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26.
Theo TTXVN/Vietnam+