Mức điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ tháng 1-2022 so với tháng 12-2021 là 7,4%. Tổng kinh phí chi điều chỉnh tăng là gần 1.052 tỷ đồng.
Chỉ trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho người dân. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có khoảng hơn 2,9 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 1-1-2022 theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.
Mức điều chỉnh tăng thêm so với tháng 12-2021 là 7,4%. Tổng kinh phí chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng thêm trong tháng 1-2022 là gần 1.052 tỷ đồng.
Đối tượng được điều chỉnh là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật...
Có hơn 2 triệu người hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng mức hưởng với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1-2022 trên 794,4 tỷ đồng, trong đó số người hưởng lương hưu được điều chỉnh là hơn 1,9 triệu người với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1-2022 trên 781,7 tỷ đồng.
Đối với đối tượng hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước, có 904.957 người được điều chỉnh tăng mức hưởng, tổng số kinh phí tăng thêm trong tháng 1-2022 hơn 257,3 tỷ đồng, trong đó số người hưởng lương hưu được điều chỉnh là 632.437 người với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1-2022 gần 202,8 tỷ đồng.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, việc Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đã thể hiện ý nghĩa nhân văn và sự quan tâm sâu sắc của của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Việc điều chỉnh này sẽ góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người lương hưu và trợ cấp, nhất là khi dịch Covid-19 tiếp tục vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo Vietnam+