Chính trị - Xã hội
Xanh từ nhà ra vườn
Hơn 10 năm, Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) thực hiện khá thành công mô hình “Mái nhà xanh”, với các hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, không ít chị em đã tận dụng đất trống, không gian sân thượng, chậu cảnh trồng rau từ nguồn rác hữu cơ…
Nguồn quỹ từ hoạt động thu gom rác được Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1 sử dụng hỗ trợ công tác chống dịch tại địa phương. Ảnh: H.L |
Chị Nguyễn Thị Hoài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1 cho biết, mô hình “Mái nhà xanh” đã gắn kết chị em phụ nữ trong nhiều hoạt động chung, trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Trong đó, hiệu quả nhất vẫn là công tác thu gom và tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt. Cụ thể, đối với rác thải, các chị phân thành 4 loại: rác hữu cơ (gồm rau, củ, quả, thực phẩm hư hỏng...), rác tái sử dụng (gồm bao bì, chai lọ, sắt thép, giấy vụn...), rác thải độc hại (gồm pin, chai lọ đựng hóa chất...) và rác thải khác.
“Mỗi loại rác thải, chúng tôi có cách xử lý khác nhau, như rác hữu cơ được tận dụng làm phân bón, trồng rau sạch; rác tái sử dụng bán lấy tiền gây quỹ hoạt động, số còn lại để gọn gàng chờ công nhân môi trường đến thu gom”, chị Hoài nói.
Cũng theo chị Hoài, hơn 10 năm, hoạt động thu gom rác thải đã mang về cho chi hội nguồn quỹ hơn 71 triệu đồng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, học sinh hiếu học; ủng hộ các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Sóng và máy tính cho em”, Quỹ phòng, chống Covid-19 và kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10; thăm hỏi hội viên ốm đau, hiếu hỉ... Để động viên phong trào, Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1 trích quỹ mua 80 thùng rác, 80 giỏ nhựa đi chợ và gần 100 chai đựng nước thủy tinh tặng chị em hội viên trong các dịp kỷ niệm đặc biệt.
Ông Lê Văn Huấn, sinh sống tại khu dân cư Thanh Tân 1, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thanh Khê Đông, bày tỏ vui mừng khi khu vực mình sinh sống nhiều năm liền đạt chuẩn “Khu dân cư không rác”, phong trào trồng rau sạch phát triển mạnh, chị em thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm vườn. Ông Huấn kể, trước khi triển khai mô hình “Mái nhà xanh”, Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1 đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải, sử dụng túi dễ phân hủy; đồng thời khuyến khích các cơ sở kinh doanh không phát sinh chất thải, khí thải ảnh hưởng đến môi trường, thu gom rác gọn gàng, sạch sẽ; không sử dụng chất độc hại, chất cấm trong chế biến thực phẩm, trồng trọt...
“Nhờ phong trào này, người dân từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sạch từ nhà ra vườn, tận dụng hiệu quả nguồn rác thải tài nguyên. Để phong trào đi vào chiều sâu, Chi hội Phụ nữ Thanh Tân 1 cần tăng cường vai trò giám sát nội dung “An toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do xã, phường quản lý”, góp phần thực hiện đề án “Quận môi trường” do UBND quận Thanh Khê đề ra”, ông Lê Văn Huấn kỳ vọng.
H.LÊ