Chính trị - Xã hội
Xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Từ khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, một nội dung quan trọng, có vai trò “bản lề” nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố được đề ra ngay sau thời điểm chia tách là tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, quy định của Nhà nước về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành phố đã triển khai nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. TRONG ẢNH: Cán bộ làm việc tại bộ phận “Một cửa” thuộc Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Căn cứ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 15-12-1997 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3. Với những cách làm mới, sáng tạo và tuân thủ, bám sát các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, thành phố đã cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng, bản lĩnh về chính trị, vững vàng về chuyên môn, có tư duy đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường; đây là yếu tố góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và phát triển thành phố trong những năm vừa qua.
Xu thế thời đại và yêu cầu đối với nguồn nhân lực
Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, xu thế “đi lên bằng giáo dục và đào tạo”, “đi lên bằng khoa học và công nghệ” đã giúp cho các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cũng như Mexico, Brazil… ở châu Mỹ phát triển nhanh chóng và đã đạt được những thành tích kỳ diệu. Có nhiều câu trả lời hoặc sự lý giải khác nhau nhưng sự lý giải do Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đưa ra có thể nói là xác đáng, đó là vốn con người là động lực chính tạo ra tăng trưởng. Thực tế cũng cho thấy, nền kinh tế của các nước này đã dựa chủ yếu vào tri thức khoa học và công nghệ vì nó đóng góp trên 60% tốc độ tăng trưởng GDP.
Xu thế khu vực hóa phản ánh lợi ích của các nước gần gũi nhau phối hợp nguồn nhiên liệu, tài nguyên, kết cấu hạ tầng... để cùng nhau phát triển, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của từng khu vực đang diễn ra quyết liệt trên toàn thế giới. Do đó, cuộc cạnh tranh gay gắt nhất trong nền văn minh thông tin của thế kỷ 21 lại là cuộc cạnh tranh về “chất xám”. Trong cuộc cạnh tranh này, giáo dục và khoa học - công nghệ đóng vị trí quan trọng hàng đầu. Xu thế hướng tới xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế tri thức do tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo ra thời cơ và những thách thức mới cho sự lựa chọn mô hình phát triển của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, xu thế trẻ hóa, tri thức hóa, chuyên môn hóa, đồng bộ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đang được thế giới quan tâm.
Vai trò, vị trí của nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế
Với xu thế và quan điểm “đi lên bằng giáo dục và đào tạo”, “đi lên bằng khoa học và công nghệ” và coi đây là khâu đột phá để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước về thực chất chính là đề cao nhân tố con người, đề cao nguồn nhân lực, đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Nền kinh tế tri thức chỉ trở thành cơ hội cho dân tộc nào biết lựa chọn và có được các nhà lãnh đạo sáng suốt, trí tuệ và quyết đoán.
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã và đang trải qua một quá trình vươn mình phát triển và hội nhập vững chắc vào khu vực, tạo dựng nền tảng cơ bản định hình một thành phố của khu vực và quốc tế. Theo đó, tính đến cuối năm 2021, thành phố có tổng số 911 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,866 tỷ USD; thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 45 địa phương của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với 94 thỏa thuận được ký kết, cùng nhiều thỏa thuận khác được ký kết và triển khai với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nước ngoài...
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tổ chức gần 50 đoàn đi công tác nước ngoài với gần hàng ngàn lượt cán bộ, công chức tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, thúc đẩy hợp tác với các địa phương, tổ chức nước ngoài trên các lĩnh vực đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ...; thành phố đã đón gần 2.500 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư, thông qua đó củng cố, thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác quốc tế.
Từ hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế không còn bị bó buộc ở khối kinh tế đối ngoại mà đã được mở rộng tới các sở chuyên ngành, nhất là các khối kinh tế, quản lý đô thị, văn hóa xã hội và thậm chí lan tỏa tới các hội, đoàn thể.
Trong số 19 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, đại đa số đều có cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng hoặc chuyên viên có thể trực tiếp trao đổi, thảo luận và xúc tiến các chương trình hợp tác quốc tế với người nước ngoài. Điều này có được một phần do thành phố đã thực hiện thu hút và bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao một cách đồng đều từ những năm đầu thập niên 2000. Tuy vậy, so với nhiều địa phương khác, nhất là với các đô thị lớn, năng lực làm việc của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế, cần sớm có giải pháp cải thiện.
Chính sách phát triển nguồn nhân lực thành phố thời gian qua
Từ năm 1997, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn lực, nhất là nguồn lực trong khu vực công. Để giải quyết tình trạng này lãnh đạo thành phố đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách thu hút, tuyển dụng, bố trí cán bộ có trình độ cao, sinh viên khá, giỏi vào làm việc; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cán bộ, công chức, viên chức.
Sau hơn 20 năm triển khai các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công, đến năm 2018, thành phố đã cử 647 lượt người đi đào tạo tại các trường đại học có chất lượng trong và ngoài nước; trong đó có 460 học viên đã kết thúc chương trình đào tạo và được bố trí công tác. Việc tiếp nhận, bố trí công tác cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố.
Đa phần học viên gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả tốt do được đào tạo bài bản, năng động và có tư duy đổi mới, giàu ý tưởng sáng tạo. Qua thực tế công tác, đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 người được kết nạp vào Đảng, 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (16 giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng).
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức đối với cán bộ quản lý, đội ngũ công chức, viên chức đã được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm và chọn cử đi học tập hằng năm; thành phố cũng đã động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho số cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt chuẩn tham gia học các lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn. Việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng sau đại học hoặc theo chương trình mục tiêu chủ yếu là các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong diện kế cận, dự nguồn, có tuổi đời còn trẻ, có phẩm chất đạo đức và có khả năng phát triển tốt đã mang lại kết quả tốt, rất đáng khích lệ.
Một số giải pháp nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ
Coi trọng công tác cán bộ là một trong những bài học thành công của Đảng xuyên suốt mọi thời kỳ, mọi giai đoạn của lịch sử. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu phát triển của đất nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy nhân tố con người.
Theo đó, để có thể hiện thực hóa khát vọng đứng vào hàng ngũ các nước phát triển đến năm 2045, Việt Nam cần có đội ngũ cán bộ với năng lực hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm không ngừng nắm bắt những xu thế của thế giới, tiệm cận với tiêu chuẩn và bắt nhịp với nhịp độ phát triển của thế giới để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Thời gian đến, để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực thực sự ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản. Trong đó, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới. Xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực. Phải lấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm, cùng với việc bồi dưỡng về lý luận chính trị cần phải đặc biệt chú ý đến chất lượng chuyên môn, trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp theo đúng xu thế thế giới đương đại, tránh bị tụt hậu. Cần trang bị kiến thức tổng hợp về thể chế, hệ thống chính trị quốc tế và quốc gia, quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, đối tác, về lịch sử, chính trị nội bộ, kinh tế, văn hóa - xã hội, tôn giáo…
Triển khai có hiệu quả Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” (Đề án 1659); xác định đến năm 2030, có 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành, và các đề án của thành phố về tạo nguồn và phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong thời gian đến.
Trong đó, đặc biệt quan tâm các đề án phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công như: Đề án một số cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong khu vực công của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 (hiện nay đang được tập trung dự thảo và dự kiến sẽ ban hành trong quý 1-2022); Đề án tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh lãnh đạo quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo (Đề án số 02-ĐA/TU ngày 20-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy)...
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn. Những môi trường, điều kiện làm việc khác nhau ở cơ sở sẽ giúp cho cán bộ phát huy được năng lực, sức sáng tạo. Đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với những cán bộ sau đó công tác ở các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách.
Hội nhập quốc tế trong điều kiện những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, đan xen những cơ hội và thách thức đòi hỏi thành phố phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng để cán bộ đủ khả năng miễn nhiễm, đề kháng với những quan điểm, tư tưởng trái chiều, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Chính vì vậy, để xây dựng nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu của tình hình mới nhằm góp phần quan trọng đưa thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến cần phân biệt rõ đây không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức mà phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể và các giải pháp phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục.
NGUYỄN ĐÌNH VĨNH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy