Chính trị - Xã hội

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

15:09, 17/02/2022 (GMT+7)

Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, những công nhân thu gom rác của các xí nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố không nề hà nắng mưa, nguy cơ nhiễm bệnh… đi đến từng căn nhà có F0 đang điều trị, cách ly tại nhà để thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày. Dù vất vả nhưng vì nhiệm vụ nên ai cũng nỗ lực thực hiện tốt các quy trình thu gom rác, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Chị Đặng Thị Tươi (bên trái) và chị Đặng Thị Điệp thuộc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà đi thu gom rác của các hộ dân có F0. Ảnh: HÀ KHUÊ
Chị Đặng Thị Tươi (bên trái) và chị Đặng Thị Điệp thuộc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà đi thu gom rác của các hộ dân có F0. Ảnh: HÀ KHUÊ

Chiều nào cũng vậy, công nhân Đặng Thị Tươi và Đặng Thị Điệp (thuộc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà) mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, đeo kính chắn giọt bắn đến thu gom rác tại các căn hộ có F0. Dùng hai xe máy kéo theo 2 thùng rác, hai chị đi khắp các kiệt, hẻm để thu gom rác thải của F0 trên địa bàn phường Phước Mỹ.

Chị Đặng Thị Điệp cho biết, đợt trong Tết, khu vực hai chị phụ trách có hơn 100 ca F0. Cứ lần lượt đến từng nhà, hai chị kéo xe đến đợi chủ nhà mang rác ra để ở cổng, xịt khuẩn bịch rác rồi bỏ lên xe, mang đi. Công việc cứ thế kéo dài đến 17 giờ 30 hoặc 18 giờ.

“Vì đây là rác có nguy cơ lây nhiễm nên chúng tôi đều thống nhất thời gian thu gom rác với người dân để khi công nhân đến thì họ mới mang ra, tránh tình trạng người dân không biết để cùng với rác thải thông thường”, chị Tươi nói.

Theo các công nhân môi trường, điểm khó khăn là các hộ có F0 nằm rải rác ở các tuyến đường khác nhau. Nhiều nhà nằm ở trong kiệt, hẻm, xe khó vào, chưa kể ngày nào cũng phải mang bộ đồ bảo hộ kín mít nên việc đi lại rất bất tiện. Thời tiết nắng hay mưa cũng phải mặc đồ bảo hộ nên khi xong việc, ai nấy cũng mệt nhoài.

Ngoài ra, nhiều trường hợp F0 lưu trú tại các căn hộ cho thuê, hay tại khách sạn, việc liên hệ thu gom rác rất khó khăn khi điện thoại cho khách lưu trú không nghe máy, đi lên không biết họ ở phòng nào để gọi cửa thu gom, có hôm phải chờ cả nửa tiếng đồng hồ để lấy rác. Tất bật với công việc là vậy nhưng chị Tươi và chị Điệp luôn có ý thức giữ gìn để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình. Chị Điệp chia sẻ, mỗi ngày làm việc xong, các chị đều phải thay bộ đồ bảo hộ, sát khuẩn sạch sẽ rồi mới về nhà...

Cũng đảm nhận việc thu gom rác tại nhà có F0, ở điểm tập kết rác lây nhiễm do Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu bố trí ở đầu tuyến đường Thăng Long, công nhân Đặng Sơn (Xí nghiệp Môi trường Hải Châu) đưa rác vào thùng container rồi khử khuẩn, cởi trang phục bảo hộ ra để đi ăn trưa lúc 16 giờ chiều.

Anh Sơn phụ trách địa bàn 3 phường: Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Hòa Thuận Tây với hơn 360 địa chỉ cần thu gom, mỗi ngày có tổng trữ lượng rác khoảng 3 thùng loại 240 lít. “Mỗi ngày đi thu gom rác tại nhà các F0 từ lúc 7 giờ sáng. Đến khoảng 16 giờ chiều, xong việc tôi mới cởi bỏ trang phục để đi ăn cơm trưa. Tối về nhà, tôi đi thẳng vào phòng riêng, không tiếp xúc với người thân để tránh lây nhiễm. Kể từ ngày thực hiện nhiệm vụ thu gom rác tại nhà các F0, công việc thêm vất vả vì phải di chuyển nhiều”, anh Đặng Sơn nói.

Tương tự, công nhân Đoàn Thanh Lý, Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê cũng luôn nỗ lực hoàn thành công việc mình đảm nhiệm. Anh phụ trách thu gom rác tại nhà F0 ở 2 phường Thạc Gián và Vĩnh Trung rồi đem lên điểm tập kết ở cuối tuyến đường Huỳnh Ngọc Huệ (phường An Khê, quận Thanh Khê). Quãng đường di chuyển hằng ngày của anh khá xa với khối lượng rác nhiều.

Mong mỏi chung của các công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ thu gom rác của F0 là người dân hãy nâng cao ý thức hơn nữa để việc thu gom rác được thuận lợi, tránh nguy cơ lẫn lộn rác thải giữa các hộ đang điều trị, cách ly F0 với rác thải môi trường, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân, cộng đồng.

HÀ KHUÊ

.