Để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của con người Hòa Vang phù hợp với phát triển đô thị, huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án “Xây dựng đời sống văn hóa Hòa Vang đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, từ đó phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới, có bản sắc riêng của văn hóa và con người nơi đây.
Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu được huyện Hòa Vang đầu tư phục dựng, đáp ứng nhu cầu bảo tồn, hưởng thụ văn hóa của người dân. TRONG ẢNH: Biểu diễn cồng chiêng của người Cơ tu, xã Hòa Bắc. Ảnh: NGỌC HÀ |
Ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cho biết, trong định hướng và quyết tâm của huyện, đến năm 2025, Hòa Vang sẽ trở thành đô thị; ở những mức độ khác nhau, văn hóa và lối sống cũ của người dân sẽ thay đổi theo hướng đô thị. Do đó, huyện cần xây dựng văn hóa mới phù hợp với xu hướng đô thị hóa trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, việc quy hoạch, mở rộng đô thị trên địa bàn huyện đã đem lại nhiều tiện ích cho phát triển sản xuất, giao lưu kinh tế, văn hóa của người dân nông thôn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn, cũng như phát sinh nhiều vấn đề xã hội như: việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, ổn định thu nhập cho người dân bị thu hồi đất… Hơn nữa, lối sống công nghiệp của đô thị với đặc trưng nhanh hơn, có kỷ luật lao động tốt hơn sẽ làm thay đổi lối sống yên ả, chậm rãi của cư dân nông nghiệp nông thôn.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng, trong điều kiện và hoàn cảnh của không gian đô thị với cơ cấu dân cư, kinh tế, lao động đã thay đổi, buộc con người Hòa Vang phải năng động hơn, thay đổi nhanh các thói quen và nếp nghĩ cũ để thích ứng. Văn hóa truyền thống sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi sự thay đổi của cấu trúc làng xã, lao động sản xuất, môi trường và nhịp sống đô thị. Đây là quá trình chuyển hóa tự nhiên về mặt văn hóa - kết quả tất yếu do đô thị hóa mang lại. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, văn hóa và lối sống đô thị sẽ từng bước hình thành ở các vùng đô thị hóa của huyện và bộ phận dân cư hội nhập sâu vào hệ thống phân công lao động của đô thị.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều phong trào, cuộc vận động khẳng định ý nghĩa xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần tích cực tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục, lan tỏa, cổ vũ mọi người tham gia, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Trong 20 năm qua, toàn huyện đã có hơn 1.000 người tốt, việc tốt được tuyên dương, khen thưởng ở các cấp. Trong đó, cấp huyện có hơn 200 người và cấp xã hơn 800 người. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu, thu hút hơn 90% gia đình tham gia. Hiện nay, toàn huyện có 33.588/35.568 gia đình văn hóa được công nhận, đạt tỷ lệ 94,43%. Xây dựng “Thôn văn hóa” là một trong những phong trào phát triển mạnh mẽ và thường xuyên với 93/113 thôn văn hóa được công nhận vào năm 2020, đạt 82,3%.
Đến nay đã có 100% khu dân cư triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận các cấp đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như “3 không trong đám tang”, “Tộc họ không có người không sinh con thứ 3”, “Tộc họ khuyến học”, “Thôn không có quảng cáo, rao vặt sai quy định”, “Xóm đạo bình yên”, “Mỗi gia đình có 1 hố rác”, “Tiếng kẻng môi trường”, “Đoạn đường văn minh”, “Đoạn đường an toàn, văn minh, xanh - sạch - đẹp”, “Thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thân thiện với môi trường”…
Nhờ đó, đời sống kinh tế ở các thôn văn hóa ổn định và từng bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng sinh hoạt của gia đình và cộng đồng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú; việc cưới, việc tang chuyển biến tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn; sự nghiệp văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục được chăm lo.
Để chuyển đổi văn hóa huyện Hòa Vang phù hợp với yêu cầu của xã hội đô thị, đề án “Xây dựng đời sống văn hóa Hòa Vang đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đặt mục tiêu đến năm 2025, đại bộ phận người dân huyện Hòa Vang có tác phong làm việc và kỷ luật lao động tốt; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu: 90% gia đình, 80% thôn, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% cơ quan, công sở, trường học được công nhận Cơ quan văn hóa…
Bên cạnh đó, chú trọng phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới, có bản sắc riêng của văn hóa và con người Hòa Vang; từng bước khắc phục những khiếm khuyết trong tính thụ động của văn hóa nông thôn; thay đổi thói quen, nếp nghĩ, tác phong của người dân nông nghiệp nông thôn nhằm đáp ứng quá trình chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động.
Để làm được điều này, huyện cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy; nâng cao năng lực quản lý điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện của các địa phương, ban, ngành liên quan; đồng thời, đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG