Từ đầu tháng 3-2022 đến nay, khi có 3 xà lan, tàu hút cùng xe múc di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang để chuẩn bị nạo vét âu thuyền, nhiều người dân ở lân cận khu vực này quan tâm về các giải pháp bảo đảm môi trường, nhất là xử lý môi trường bị ô nhiễm trong quá trình nạo vét và nhận chìm chất nạo vét trên biển.
Các xà lan và tàu múc đã vào tập kết trong âu thuyền Thọ Quang để chuẩn bị nạo vét âu thuyền và nhận chìm chất nạo vét trên biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đơn vị được giao làm chủ đầu tư công trình Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang, khu vực được nạo vét có diện tích 50,17ha. Dự kiến công trình được khởi công vào tháng 4-2022 và hoàn thành trong tháng 10-2022. Đơn vị thi công sẽ tiến hành vớt rác bề mặt âu thuyền phần trên cạn và phần dưới nước (phần trên cạn dùng thủ công, phần dưới nước sử dụng thuyền kết hợp dụng cụ, thiết bị vớt rác, tập kết rác vào bờ) rồi xúc lên xe chở rác vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn để xử lý. Trong quá trình vớt rác, đơn vị thi công sẽ phun chế phẩm xử lý mùi hôi.
Việc nạo vét sẽ được tiến hành cuốn chiếu theo phân khu đã thiết kế. Phần trong phạm vi mái ta-luy của âu thuyền (từ chân kè đến đỉnh bờ âu thuyền) có diện tích nạo vét bùn lẫn rác là 3,27ha, chiều sâu nạo vét trung bình 1,29m. Trước khi nạo, các đơn vị sẽ tiến hành xử lý men vi sinh trên bề mặt nước trong 5 ngày và thả men vi sinh trong âu thuyền để bảo đảm môi trường.
Về phương pháp nạo vét, tàu hút bơm bùn sét, cát lẫn rác lên xà lan (bố trí thiết bị thu gom rác tại vị trí đầu ra của ống bơm) cho lắng bùn, cát và tách nước trên từng khoang. Rác được thu gom vào từng bao tập kết lên thuyền để chuyển vào bờ và đưa lên xe chuyên dụng chở đến bãi rác Khánh Sơn. Trong quá trình tách rác có phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi. Đất bùn sét, cát đã lắng đọng sau khi bóc tách rác trên sà lan được vận chuyển đến vị trí nhận chìm trên biển tại phao số 0, cách âu thuyền 19,6km.
Cũng theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, công trình đã được UBND thành phố phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán tại Quyết định số 3792/QĐ-UBND ngày 20-10-2021. UBND thành phố cũng đã cấp phép nhận chìm chất nạo vét trên biển theo Giấy phép số 46/GP-UBND ngày 26-11-2021.
Trước đó, ngày 18-5-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1719/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với công trình. Theo đó, về phương án nhận chìm chất nạo vét, sử dụng 3 xà lan với công suất chứa của mỗi xà lan là 1.495m3/ngày để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm trung bình 6 chuyến/ngày, khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500m3/ngày.
Chất nạo vét được nhận chìm theo hình thức xả đáy. Trước khi xả đáy, sẽ kiểm tra bùn nạo vét trên xà lan, nếu có chất nổi sẽ yêu cầu đơn vị thi công sử dụng tấm hút hết váng nổi. Chất nạo vét sau khi được kiểm tra (bằng cảm quan), nếu không có chất nổi sẽ tiến hành xả đáy xà lan để nhận chìm...
UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm, chất lượng nước biển, đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm chất nạo vét và khu vực xung quanh; chịu trách nhiệm giám sát 24/24 giờ đối với từng chuyến xà lan nhận chìm chất nạo vét; xác định tối thiểu 4 vị trí xung quanh vị trí nhận chìm để giám sát chất lượng nước biển và đa dạng sinh học...
Đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong mọi hoạt động thi công công trình, bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để không gây ô nhiễm...
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho biết: “Đơn vị thi công sẽ phân ô âu thuyền Thọ Quang để vừa làm, vừa đánh giá hiệu quả, tác động đến môi trường trên cơ sở có sự giám sát, theo dõi của các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng, Cảnh sát môi trường, UBND quận Sơn Trà... Vì đây là lần đầu tiên thực hiện nạo vét và nhận chìm khối lượng bùn lớn nên trong giai đoạn đầu sẽ vừa thi công, vừa đánh giá tác động với môi trường, chưa làm ồ ạt. Vị trí nhận chìm chất nạo vét đã được cơ quan chức năng đánh giá rất kỹ rồi mới phê duyệt”.
Phó trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại thông tin, đơn vị sẽ phối hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai các giải pháp để bảo đảm việc nạo vét âu thuyền không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của âu thuyền và cảng cá. Đồng thời giám sát hoạt động nạo vét và các biện pháp xử lý mùi để bảo đảm môi trường.
HOÀNG HIỆP