Chính trị - Xã hội
Chỉ số hạnh phúc
Năm nay, ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hay còn gọi là ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) rơi vào Chủ nhật. Đây là ngày lễ được Liên Hợp Quốc quyết định từ năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới.
Xin được lược khảo sơ qua lịch sử ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan - một quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp nằm ở khu vực Nam Á, phía đông dãy Himalaya. Từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ XX, Bhutan đã ghi nhận vai trò của hạnh phúc quốc gia. Nước này coi trọng hạnh phúc hơn là thu nhập quốc gia và đề ra mục tiêu “tổng hạnh phúc quốc gia”, thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Vậy Tổ chức Báo cáo hạnh phúc thế giới năm căn cứ vào các tiêu chí nào để đánh giá chỉ số hạnh phúc các quốc gia? Đó là dựa trên khảo sát ý kiến của người dân tại 149 quốc gia để xếp hạng mức độ hạnh phúc của họ, cùng các dữ liệu khác như tổng thu nhập quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng... để đưa ra một điểm số về sự hạnh phúc của từng nước.
Năm 2021, Phần Lan dẫn đầu năm thứ 4 liên tiếp. Theo sau là Iceland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Các quốc gia còn lại trong top 10 gồm: Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Na Uy, New Zealand và Áo. Các nước châu Phi như: Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm cuối bảng xếp hạng. Afghanistan là nước kém hạnh phúc nhất thế giới. Việt Nam chúng ta xếp thứ 83/149.
Thật khó định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc bậc cao, nhân bản sâu sắc, lại mang tính trừu tượng, thường chịu tác động của lý trí. Cho dù thế nào, nếu mọi suy nghĩ, hành động, mục đích không gắn chặt với tha nhân, không thể gọi là hạnh phúc. Karl Marx đã viết từ năm 1835: “...Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất...”.
Nhà triết học cổ đại Gautama Buddha từng nói: “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc bởi hạnh phúc chính là một con đường”. Còn theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc”.
Nhiều cá nhân, gia đình hạnh phúc, chỉ số hạnh phúc của quốc gia chắc chắn sẽ tăng. Sau gần hai năm dịch giã, mọi người càng thấy thế giới cần phải yêu thương nhau hơn. Phải chăng, hạnh phúc là cùng nhau vượt qua dịch bệnh, là có thời gian dành cho gia đình, là sống chậm lại, là biết quan tâm san sẻ nhiều hơn, là cho đi nhiều hơn…
Hạnh phúc cũng là sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội, sống xanh, hướng về phát triển bền vững. Với “tế bào xã hội”, hạnh phúc đôi khi chỉ là sự bình an trong tâm hồn, cơ thể khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, mỗi ngày là một niềm vui...
Thế giới ngày càng hiện đại càng đối diện với nhiều thách thức, mang tính toàn cầu. Đó là thách thức trong giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển bền vững; giữa các chỉ tiêu phát triển con người và nguy cơ suy thoái môi trường, dịch bệnh. Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, thiên tai ngày càng khắc nghiệt...
Con người, chủ thể của xã hội, thì có vẻ càng ngày càng sống gấp, sống vội, sống “ảo”, ít yêu thương san sẻ nhau hơn. Trong bối cảnh đó, ngày Quốc tế hạnh phúc có lẽ còn là ngày cùng nhau hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn để xây dựng một thế giới tốt đẹp, đem lại hạnh phúc thực sự cho loài người trên trái đất bao la nhưng ngày càng “chật hẹp”.
THẢO UYÊN