Cơ hội nhìn lại

.

Cuối năm 2021, khi nhiều địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch cũng là lúc xuất hiện tình trạng nhiều đoàn xe máy nối đuôi nhau về quê, bất chấp khổ cực và nguy hiểm trên những cung đường dài hàng ngàn cây số. Khi hàng triệu người lao động trở về quê như thế, có không ít cảnh báo sự khó khăn của các doanh nghiệp về bài toán nguồn nhân lực để tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cho đến những ngày đầu năm nay, khi cả nước bắt tay vào guồng làm việc mới là lúc sự lo lắng về thiếu hụt nguồn lực lao động trở thành sự thật.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... đến đầu tháng 2-2022 thiếu hụt hơn một triệu người lao động; tương tự, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh... cũng hụt gần một triệu lao động. Nguyên nhân bởi nhiều lao động sau khi về quê không quay trở lại làm việc.

Tại Đà Nẵng, chưa có con số thống kê cụ thể, thế nhưng theo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ ngay thời điểm cuối năm 2021, tình trạng thiếu lao động bắt đầu xuất hiện. Bước sang đầu năm mới, tình hình có phần khó khăn hơn, bởi cùng lý do nhiều lao động chưa muốn hoặc không trở lại thành phố làm việc. Ở phiên giao dịch việc làm đầu năm 2022 do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức, có 81 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 6.300 vị trí việc làm, vậy nhưng kết quả chỉ có 100 vị trí việc làm được khớp nối để giới thiệu cho các doanh nghiệp. Một con số quá khiêm tốn!

Trong suốt hơn 2 năm Covid-19 bùng phát là lúc câu chuyện người lao động bị mất việc, tạm dừng công việc nóng hơn bao giờ hết. Vậy tại sao khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tái khởi động trở lại, nhiều lao động vẫn nói “không” với việc làm? Lý do là bởi đồng lương còn quá thấp, trong khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố khá đắt đỏ; là các chính sách, chế độ ưu đãi, bảo vệ người lao động chưa được thực hiện đầy đủ... Vì vậy họ quyết định ở lại quê hoặc chờ cơ hội việc làm mới có thu nhập tốt hơn. Về phía đơn vị sử dụng lao động, có thể nói họ không hoàn toàn vô can trong chuyện này, khi vẫn có không ít doanh nghiệp chỉ lo chạy theo lợi nhuận, cố tình né tránh thực thi quyền lợi của người lao động, hoặc chỉ thực hiện cầm chừng để đối phó như nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là vốn, thị trường, công nghệ... và đặc biệt là người lao động. Một doanh nghiệp không thể phát triển, thậm chí phá sản nếu không giữ được chân người lao động, nhất là lao động lành nghề, cũng như không có chính sách đủ tốt để người lao động cống hiến hết mình. Chính vì thế, doanh nghiệp cần xem khó khăn về việc tuyển dụng hay thu hút người lao động quay trở lại làm việc lúc này là thời điểm để nhìn lại mình.

Thời gian qua, doanh nghiệp đã bảo đảm đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo đúng các quy định của pháp luật chưa? Có sự chia sẻ, động viên với người lao động trong lúc ốm đau, tai nạn? Đã tạo điều kiện để người lao động phát huy hết năng lực của họ?... Ngược lại, về phía người lao động cũng cần tự đánh giá lại mình, thời gian qua có thực sự hết mình vì doanh nghiệp, có nỗ lực để tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc?...

Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Không cách nào khác, lúc này, người sử dụng lao động và người lao động cần có thiện chí giải quyết, phá bỏ rào cản để có thể làm việc cùng nhau hiệu quả và lâu dài.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích