Chính trị - Xã hội
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 9 đến 11-3
Ngày 1-3, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đã chủ trì họp báo thông tin về Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027).
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo đó, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) được tổ chức từ ngày 9 đến 11-3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với chủ đề: "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước".
Về dự Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước và khoảng 200 đại biểu khách mời.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Đại hội sẽ có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip dự kiến trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, Đại hội sẽ tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
1.000 đại biểu chính thức (giảm 168 đại biểu so với nhiệm kỳ XII) dự Đại hội là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, ngành nghề, các lĩnh vực công tác và các vùng miền khác nhau trong cả nước. Độ tuổi trung bình của đại biểu là 47 tuổi, Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất 80 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất là 24 tuổi.
Các hoạt động khác trong khuôn khổ Đại hội gồm: Khai mạc triển lãm "Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những ước mơ" và phát động nhắn tin ủng hộ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" chung tay xây dựng ít nhất 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỷ đồng cho phụ nữ vùng biên giới; Chương trình Đối thoại 2030 - Thúc đẩy Bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng phát động các cấp Hội thực hiện Đợt thi đua đặc biệt "130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13"; tổ chức bình chọn trực tuyến 2 vòng; chọn và khen thưởng 13 công trình, phần việc tiêu biểu xuất sắc; phát động " Tuần lễ Áo dài" trên toàn quốc nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam; phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng trồng cây xanh thay cho chương trình văn nghệ chào mừng như thông lệ. Phấn đấu trồng và đảm bảo sống ít nhất 130.000 cây xanh trong dịp này.
Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" tiếp tục được phát động trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 trên cơ sở những kết quả đạt được của Cuộc vận động trong các nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên nội hàm của cuộc vận động có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, mà còn góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Riêng tại những địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ thí điểm xây dựng gia đình "5 Có, 3 Sạch" (5 Có gồm: Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế bền vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hoá; 3 Sạch gồm: Sạch nhà, Sạch bếp, Sạch ngõ)
Mục tiêu chung của nhiệm kỳ tới là phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, dự kiến các cấp Hội sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế…
Theo Báo Tin tức