Gỡ bỏ rào cản để phụ nữ sáng tạo, cống hiến nhiều hơn

.

Chiều 10-3, Đại hội Phụ nữ toàn quốc tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề như xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.

Đại biểu dự đại hội biểu quyết thông qua danh sách Ban Chấp hành TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu dự đại hội biểu quyết thông qua danh sách Ban Chấp hành TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, nhiệm kỳ 2022-2027 đã nhận được nhiều tham luận gửi về, chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay và đóng góp ý kiến trong xây dựng, phát triển phong trào phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Chiều 10-3, Đại hội tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề như xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Tại trung tâm thảo luận về "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới," các tham luận đã có những đề xuất, kiến nghị, hiến kế một số giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực nữ giai đoạn tới.

Phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

Theo bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình song thực tế cho thấy nữ trí thức vẫn đối mặt những rào cản, thách thức, bất bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng những thành tựu phát triển của xã hội, vẫn gặp nhiều trở ngại, hạn chế trên con đường phấn đấu.

Số phụ nữ có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều; trình độ lý luận của nữ cán bộ, viên chức, người lao động không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nữ trong ngành Giáo dục nói riêng và các lực lượng lao động nữ nói chung.

Đâu đó vẫn còn sự định kiến, khuôn mẫu giới; sự khắt khe đối với phụ nữ còn tồn tại trong nhận thức chung của xã hội, nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách liên quan tới thúc đẩy và phát triển nguồn nhân lực nữ.

Ngoài ra, nữ trí thức chưa được bố trí, sử dụng hợp lý và nhất là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp của họ. Khung chính sách, luật pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững còn chưa được thể hiện rõ nét.

Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài... Đó chính là những thách thức, làm cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng giới, phát triển nguồn nhân lực nữ hiện nay.

Từ thực tế trên, để việc phát triển nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn tới, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm các trẻ em gái và trai được tiếp cận với phát triển, chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non có chất lượng để sẵn sàng bước vào cấp tiểu học; hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở công bằng, có chất lượng.

Cùng với đó, đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho rằng cần bảo đảm tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nhất là cho trẻ em gái thông qua các giải pháp như phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên trước nhất, thậm chí đi trước một bước so với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác.

Để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ, cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới

Đề cập đến cơ hội, thách thức về bình đẳng giới trong công tác truyền thông, báo chí, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng báo chí truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực bình đẳng giới, bởi chính báo chí truyền thông góp phần tạo nên những chuẩn mực xã hội, tác động vào nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng.

Bình đẳng giới là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một trong các mục tiêu Phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. Chính vì vậy thúc đẩy bình đẳng giới cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên của các cơ quan báo chí hiện nay. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi đối với các nhà báo trong việc thực hiện các nhiệm vụ truyền thông về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, để báo chí truyền thông thực sự làm tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan, trên thực tế còn không ít thách thức và thiếu sót cần khắc phục.

Mặc dù các cơ quan báo chí luôn thể hiện cam kết cao về chủ trương, song thực tế các tác phẩm báo chí lại còn khá nhiều "sạn" về bình đẳng giới. Ví dụ qua khảo sát của tổ chức SCAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên), hiện tượng định kiến giới như: Coi việc nhà là công việc thuộc về phụ nữ, phụ nữ luôn là người nên hy sinh nhường nhịn trong gia đình, hay những hình ảnh và thông tin quảng cáo nhạy cảm về phụ nữ, còn khá phổ biến trên báo chí và truyền hình.

Còn theo một báo cáo về "Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ" của tổ chức Oxfarm mới đây, cho thấy tỷ lệ phỏng vấn, đưa tin hay trích dẫn lãnh đạo là nữ trên một số tờ báo lớn và chương trình của đài truyền hình, trong đó có VTV1, còn rất thấp là 14,3%.

Để khắc phục tình trạng này, nhà báo Nguyễn Thu Hà đề xuất một số giải pháp như tăng cường đào tạo cho nhà báo và đào tạo cho tòa soạn, đặc biệt các vị trí then chốt như Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, trưởng các bộ phận tin bài, họa sĩ thể hiện... về kiến thức bình đẳng giới.

Đưa vào giới thiệu những tài liệu như sổ tay bình đẳng giới, hay Quy tắc ứng xử Bình đẳng giới dành cho báo chí... Hội Nhà báo phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng riêng các Nguyên tắc Báo chí về Bình đẳng giới, để tuyên truyền và phổ biến cho các nhà báo…

Vượt qua chính mình để vươn tới ước mơ

Bên cạnh những giải pháp, kiến nghị về chính sách, bản thân người phụ nữ cũng cần có những nỗ lực tự thân, vượt qua chính mình để vươn tới ước mơ. Đây là góc nhìn của chị Bế Thị Băng, người dân tộc Tày, sinh ra tại Hòa An, tỉnh Cao Bằng, là Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Việt Nam 2019.

Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách bầu Ban Chấp hành TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách bầu Ban Chấp hành TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Bị mất một chân phải sau một tai nạn giao thông khi mới 24 tuổi, những tưởng tương lai đã đóng lại phía trước nhưng sau những suy nghĩ tiêu cực, chị Băng đã tự tìm cho mình những lối đi riêng, những suy nghĩ khác, sống khác, bắt đầu lại từ con số âm.

"Tôi tự làm thay đổi suy nghĩ của mình, tôi muốn thay đổi và làm chủ cuộc sống của mình. Vì mình còn được sống đó là hạnh phúc và ngày mai, ngày mai nữa tôi vẫn phải tiếp tục sống tiếp như một đặc ân của số phận. Tôi không muốn làm khổ bất kỳ ai và tôi không muốn người thân của mình phải đau đớn hay rơi nước mắt vì tôi nữa. Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không thể sống mà không cống hiến cho quê hương, đất nước, dù sức lực có hạn nhưng tôi vẫn muốn được đóng góp một chút nhỏ bé của mình, sống một cuộc sống có ý nghĩa để lan tỏa những năng lượng tích cực. Tôi muốn tất cả phụ nữ chúng ta, ai cũng được thành công, hạnh phúc," chị Băng chia sẻ.

Với mong muốn người phụ nữ Việt Nam luôn sống đẹp, là hình mẫu của tuổi trẻ, là những bông hoa luôn tỏa hương giữa đời thường, lan tỏa những điều tích cực cho cộng đồng và xã hội, chị Băng cho rằng cùng nhau không ngừng trau dồi tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, suy nghĩ và hành động tích cực góp phần đẩy lùi những hành vi bạo lực, tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.

Nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em là thành viên bình đẳng trong gia đình và xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của toàn dân trong đó có chúng ta, chị Băng kêu gọi mọi người hãy dùng trái tim yêu thương của mình để tôn trọng phụ nữ và dám lên án những hành động trái với lối sống và nhân phẩm, đè nén lên cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vì thế, hãy đồng hành cùng họ.

Chị cũng mong muốn người khuyết tật hãy sống một cuộc đời của chính mình như những đóa hoa, hãy coi khuyết tật là những thứ "vũ khí" đặc biệt nhất của hiện tại để vượt lên chính mình bởi "Người khuyết tật hay người không khuyết tật chúng ta có quyền bình đẳng, có quyền sống và làm tất cả những gì mình mong muốn".

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.