Chính trị - Xã hội

Hỗ trợ thúc đẩy thu gom, xử lý rác tái chế

08:46, 16/03/2022 (GMT+7)

Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục huy động nguồn lực từ các dự án hợp tác với các tổ chức trong, ngoài nước để hỗ trợ các địa phương, hội, đoàn thể thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn, nhất là hỗ trợ việc thu gom, tiêu thụ, xử lý rác tái chế.

Hiện nay phong trào phân loại rác thải được nhiều địa phương đẩy mạnh tuyên truyền.  Trong ảnh: Hội viên Chi hội Phụ nữ khu dân cư 9A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn thu gom rác tái chế tại các hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện nay phong trào phân loại rác thải được nhiều địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. TRONG ẢNH: Hội viên Chi hội Phụ nữ khu dân cư 9A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn thu gom rác tái chế tại các hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố trao 7 xe đẩy, 7 thùng thu gom rác tái chế, rác nguy hại... và một số phương tiện phục vụ phân loại rác tại nguồn có tổng trị giá gần 100 triệu đồng cho các chi hội phụ nữ. Các phương tiện này từ nguồn hỗ trợ của dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) triển khai. Hội LHPN thành phố cũng phối hợp GreenHub tổ chức tập huấn cho các thành viên nòng cốt của các CLB Sống xanh của các cấp hội về phân loại rác tại nguồn; tác hại của đồ nhựa đến sức khỏe và môi trường... để tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo cho rằng, các phương tiện phục vụ thu gom rác tài nguyên và phân loại rác tại nguồn được bàn giao, lắp đặt tại địa phương sẽ giúp cho các CLB Sống xanh thuận tiện hơn trong vận động người dân thu gom, phân loại rác tái chế, giảm thiểu rác thải ra môi trường, nhất là rác thải nhựa. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Hội LHPN thành phố phối hợp các địa phương khảo sát nhu cầu thực tế của các khu dân cư tại 3 phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và hỗ trợ các trang thiết bị truyền thông, thu gom rác tái chế, phân loại rác tại nguồn như thùng thu gom rác tái chế và nguy hại; xe đẩy thu gom rác tái chế; thùng phục vụ phân loại rác thải tại hộ gia đình...

Hiện nay, phong trào phân loại rác tại nguồn đang diễn ra sôi nổi trên địa bàn thành phố chủ yếu dựa vào vai trò nòng cốt và sự tích cực vận động, thu gom rác tái chế thường xuyên... của các hội, đoàn thể, nhất là các CLB Sống xanh và chi hội phụ nữ. Các phương tiện được hỗ trợ đã giúp duy trì phong trào phân loại rác tại nguồn và việc thu gom rác tái chế cũng mang lại nguồn quỹ hoạt động cho các cấp hội, đoàn thể cũng như hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, Chi hội Phụ nữ 2, phường An Khê (quận Thanh Khê) bày tỏ phấn khởi khi việc lắp đặt 2 “mái nhà xanh” được đông đảo chị em và người dân ở khu dân cư thường xuyên gom rác tái chế riêng sau phân loại rác tại gia đình. Còn chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Hằng tháng, các chị em thu 4-5 triệu đồng từ bán rác tái chế thu được sau phân loại rác tại hộ gia đình”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, UBND các quận, huyện và các hội, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn và đạt được những kết quả nhất định. Riêng trong năm 2021, có 1.453 tấn rác tái chế được thu gom và đem bán được 3,144 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương chưa có phương án tổ chức thu gom rác tái chế chi tiết để thông báo đến hộ dân, tổ dân phố nên sự tham gia của người dân vẫn chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên và tăng cường nguồn lực về kinh phí, kinh nghiệm, kỹ thuật... hỗ trợ cho các địa phương thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn, thời gian qua, các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan đã xúc tiến 9 dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Từ đó, thành phố đã nhận được tổng kinh phí tài trợ hơn 70 tỷ đồng cùng nhiều hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế để thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn nói riêng và quản lý chất thải rắn nói chung trong giai đoạn 2021-2024.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thông tin, các nguồn lực nói trên đều được phân bổ cho các địa phương và hội, đoàn thể tham gia, nhất là Hội LHPN thành phố... để tổ chức triển khai thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn và quản lý chất thải rắn. Ngày 14-2, UBND thành phố ban hành công văn thống nhất tham gia chương trình “Thành phố sạch - đại dương xanh” do USAID tài trợ với các hoạt động nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), củng cố thị trường cho nhựa tái chế... Trước đó, ngày 28-1, UBND thành phố có quyết định phê duyệt tiếp nhận dự án Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thông qua Tổ chức iDE với tổng kinh phí 34,57 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu từ nay đến năm 2024 sẽ thu gom, xử lý và tiêu thụ 3.500 tấn rác thải nhựa...

“Các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho thành phố cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu... về quản lý chất thải rắn. Đặc biệt, những dự án mới mà UBND thành phố phê duyệt được xem như khép kín chu trình, hoàn thiện công đoạn mà thành phố đang thiếu, trong đó có việc huy động các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, tái chế các loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa để thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn phát triển sâu rộng”, bà Nguyễn Thị Kim Hà bày tỏ.

HOÀNG HIỆP

.