Chính trị - Xã hội

Mái nhà chung của trẻ mồ côi vì Covid-19

09:18, 18/03/2022 (GMT+7)

Trẻ em mồ côi vì Covid-19 tưởng như phải bỏ học giữa chừng. Nhưng không, các em được chuyển đến Trường Tiểu học, THCS, THPT Hy Vọng  (gọi tắt Trường Hy Vọng) nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục chu đáo. Ngôi trường đầy ắp nhân văn này do Tập đoàn FPT xây dựng ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.

Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn FPT Trần Thị Thu Hà (bìa trái) trao tặng ba lô cho  học sinh nhập học tại Trường Hy Vọng.Ảnh: P.C
Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn FPT Trần Thị Thu Hà (bìa trái) trao tặng ba lô cho học sinh nhập học tại Trường Hy Vọng. Ảnh: P.C

Trường Hy Vọng có cơ sở vật chất khang trang, hiện nay đang nuôi dưỡng, dạy dỗ 34 trẻ em mồ côi trên mọi miền đất nước. Được đưa đến sinh sống, học tập tại trường sau Tết Nhâm Dần, cuộc sống em N. (học sinh lớp 8, trú Thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều thay đổi tích cực. Cha chẳng may qua đời do Covid-19, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cứ nghĩ N. phải nghỉ học để phụ giúp mẹ đi làm, chăm lo cho các em. May mắn, N. được Tập đoàn FPT đưa về nuôi dưỡng, chăm lo học hành. Được sống trong vòng tay ấm áp của mọi người, em cảm thấy hạnh phúc.

Cùng hoàn cảnh tương tự, em B.T. (học sinh lớp 11, trú Thành phố Hồ Chí Minh) mồ côi cha do Covid-19 từ năm 2021. Mẹ B.T. bị liệt hơn 10 năm, gia đình em phải ở trọ nhà người thân, cha mất, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn. Với ước mơ vào đại học để có việc làm ổn định, thay cha nuôi nấng người mẹ tật nguyền, B.T. quyết tâm tạm xa gia đình để ra Đà Nẵng, tiếp tục nỗ lực con đường học tập tại Trường Hy Vọng.

Giám đốc dự án Trường Hy Vọng Hoàng Quốc Quyền cho hay, trường sẽ nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho các cháu học tập để sau này trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Theo kế hoạch, trong năm 2022, trường đón 300 trẻ em đầu tiên trong tổng số 1.000 em về đây nuôi dưỡng, dạy dỗ.

Kể về hành trình gian khổ đón các em về trường, ông Hoàng Quốc Quyền cho biết, cán bộ, nhân viên Tập đoàn FPT phải tỏa đi nhiều nơi, liên hệ, làm việc với chính quyền địa phương, gia đình… Nhiều trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, gia đình các em ở trọ hoặc nằm sâu trong hẻm, cán bộ, nhân viên rất kiên trì mới tìm được đến nhà. Về Trường Hy Vọng, các em được nuôi dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Hằng ngày, các em dậy sớm tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn uống, đến lớp, sinh hoạt chung, tham gia học tập trong các CLB năng khiếu, thể thao... Cuối tuần các em tham gia nhiều hoạt động cộng đồng bổ ích.

Chia sẻ với các em nhỏ đang học tập tại Trường Hy Vọng, hệ thống Bệnh viện - Trường Đại học Phan Châu Trinh cam kết hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho 1.000 em học sinh nơi đây. Trong quá trình học tập, các em được thăm khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tư vấn sức khỏe, điều trị tâm lý… Cùng với đó, nhà trường tặng 200 suất học bổng toàn phần bao gồm chi phí ăn ở, học phí cho các em khi xét tuyển vào học các ngành khoa học sức khỏe mà nhà trường đang đào tạo.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa, việc xung phong tiếp nhận chăm sóc và đào tạo 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19 xuất phát từ quyết tâm và tình thương của lãnh đạo tập đoàn với các cháu. Mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc nuôi dưỡng mà còn đào tạo, phát hiện từ sớm tài năng của từng em để bồi dưỡng, khai thác hiền tài cho đất nước.

Trong bức thư chào đón các cháu về trường, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình viết có đoạn: “Các con yêu quý!... Trường Hy Vọng ra đời để làm dịu đi nỗi đau mất cha, mất mẹ, để chia vơi đi bất hạnh mồ côi. Tên trường chính là mong mỏi lớn nhất của người đã khuất: các con được sống tốt và hạnh phúc. Bằng yêu thương, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người. Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình trong khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội. Trường sẽ mời những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực để tìm kiếm, hướng dẫn và phát triển tài năng của các con...”.

PHƯƠNG CHI

.