Phấn đấu đến năm 2025, ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang cơ bản được xử lý dứt điểm

.

Sau gần 2 năm thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến thời điểm này, ô nhiễm môi trường tại khu vực này đang được xử lý rất bài bản; phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản được xử lý dứt điểm.

..
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương cho biết: Ngày 6-7-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2375/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Mục tiêu xóa điểm ô nhiễm này vào năm 2025. Trong đó, chỉ tiêu cụ thể triển khai đến năm 2022 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường (VSMT); xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt âu thuyền; xử lý mùi hôi và khí thải. Quyết định số này phân công rất cụ thể cho 20 cơ quan, đơn vị thực hiện xử lý môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Trong đó, việc xử lý môi trường được phân làm 4 nhóm với 58 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

* Việc xử lý môi trường tại đây thời gian qua có đạt kỳ vọng so với mục tiêu đặt ra không, thưa ông?

- Đến thời điểm này, việc quản lý chất thải rắn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là hoạt động cải thiện rõ nét nhất. Rác thu gom tại mặt nước, bờ kè xung quanh âu thuyền từ ngày 12-2-2021 đến ngày 5-3-2022 là hơn 1.100 tấn, bình quân 2,7 tấn/ngày. Bên cạnh đó, các tuyến đường quanh khu vực âu thuyền thường xuyên được thu dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Về vấn đề xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt, đến nay đã cắt giảm dần các nguồn nước thải vào âu thuyền và cải thiện chất lượng môi trường nước tại khu vực này. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư cơ bản hạ tầng bảo vệ môi trường khu vực này thông qua các dự án, hạng mục đã và đang đầu tư xây dựng cơ bản, như: Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 1) với công suất thiết kế 25.500m3/ngày đêm; dự án cải thiện môi trường nước phía Đông, trong đó trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) với công suất 30.000m3/ngày đêm; tiểu dự án nạo vét âu thuyền, cải tạo tuyến thu gom nước thải tuyến đường Vân Đồn, dự án nâng cấp mở rộng cảng cá… với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát nước xả thải vào khu vực âu thuyền như theo dõi và đánh giá chất lượng nước định kỳ, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy hoàn thành hệ thống quan trắc nước thải tự động; giám sát chặt chẽ nước xả thải của cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp sau khi đấu nối, nạo vét cống, nạo vét bùn tại các cửa xả…

Để giảm thiểu mùi hôi trong phạm vi cầu cảng và chợ đầu mối, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã tăng cường công tác thu dọn vệ sinh hằng ngày, phun hóa chất khử mùi, cải tạo và nạo vét hệ thống thu gom nội bộ, phân loại và chuyển xử lý trong ngày đối với phế thải thủy sản. Các nguồn thải từ các cơ sở trong khu công nghiệp, Ban quản lý đã chỉ đạo đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp tăng cường giám sát phát hiện mùi hôi; yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm việc xử lý mùi hôi tại cơ sở.

Riêng năm 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 66 trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xử phạt số tiền gần 208 triệu đồng.

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung  thu gom rác tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung thu gom rác tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: TRỌNG HÙNG

* Được biết, thành phố sắp triển khai dự án nạo vét bùn ở âu thuyền, vậy làm thế nào để bảo đảm môi trường trong quá trình thực hiện?

Đến thời điểm này, chủ dự án đã trình báo cáo đánh giá rác động môi trường và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18-5-2021 của UBND thành phố; đồng thời được UBND thành phố cấp giấy phép số 46/GP-UBND ngày 26-11-2021 cho phép nhận chìm ở biển.

Hiện nay, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc thi công nạo vét và nhận chìm vật chất nạo vét thuộc Tiểu dự án nói trên với 13 thành viên thuộc các sở, ban, ngành thành phố. Nhiệm vụ của Tổ là tham mưu giám đốc sở chủ động đề nghị chủ dự án cung cấp các kế hoạch quản lý môi trường; chương trình quan trắc, giám sát môi trường cụ thể; kế hoạch triển khai các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18-5-2021 và các yêu cầu tại giấy phép nhận chìm ở biển số 46/GP-UBND cũng như rà soát các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt.

* Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai xử lý môi trường ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là gì?

- Qua quá trình triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, chúng tôi cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là câu chuyện kiểm soát ô nhiễm trong khu vực rộng lớn, với nhiều nguồm thải đan xem, nhiều cơ quan cùng quản lý. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cần đòi hỏi thực hiện liên tục, đồng thời chủ động trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và huy động nhân dân cùng tham gia…

Làm thế nào để thu gom toàn bộ nước thải từ tàu cập cảng và tàu neo đậu vẫn đang là bài toán lớn nhất, đang được nghiên cứu. Mặt khác, dự án khu vực cầu cảng, hệ thống xử lý nước thải khu vực âu thuyền và cảng cá với công suất 300m3/ngày đêm chưa hoàn thành nên vấn đề này cũng đang gặp nhiều hạn chế trong công tác xử lý môi trường tại khu vực âu thuyền.

Đà Nẵng được định hướng trở thành thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, do đó cần tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong tương lai. Mặc dù đến cuối năm 2022, chúng ta mới đi được nửa chặng đường của Quyết định số 2375/QĐ-UBND trong công tác xử lý môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, chủ yếu bằng các giải pháp quản lý, các dự án đang trong giai đoạn triển khai. Song Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo để có cơ sở đánh giá, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, phấn đấu đến năm 2025, ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ cơ bản được xử lý dứt điểm.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRỌNG HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.