Chính trị - Xã hội
Xây dựng chính quyền số: Cần sự đầu tư đồng bộ
Quận Thanh Khê đạt nhiều thành tích trong xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố. Đây là cơ sở để các ngành chức năng của quận đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Xây dựng chính quyền số nhằm hướng đến tiện ích, thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. TRONG ẢNH: Người dân làm thủ tục tại bộ phận 1 cửa phường Thanh Khê Đông. Ảnh: NGỌC HÀ |
UBND quận đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng một số phần mềm đồng bộ, hiện đại, qua đó từng bước nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính để người dân dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát.
Theo thống kê từ phần mềm “Một cửa” điện tử của quận Thanh Khê, trong tổng số tiền thu phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính của quận trong năm 2021, thu bằng tiền mặt chỉ chiếm 3,46%, thu qua môi trường trực tuyến chiếm 96,54%. Ngoài ra, thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý đồng bộ chung hệ thống camera từ phường đến quận, UBND quận, Phòng Nội vụ quận kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời sai phạm và xử lý nhanh khi có kiến nghị phản ánh của công dân trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận và phường.
Phòng Quản lý đô thị hiện đang thực hiện 33 thủ tục hành chính, trong đó lĩnh vực xây dựng nhà ở và đầu tư xây dựng gồm 18 thủ tục, lĩnh vực hạ tầng giao thông 8 thủ tục và cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông 7 thủ tục. Đến nay, nhờ số hóa, 100% giấy phép xây dựng và hơn 50% hồ sơ xây dựng cơ bản được đưa vào lưu trữ, phục vụ công tác xuất dữ liệu khi cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Để nâng cao quá trình chuyển đổi số ở cơ sở, UBND quận thí điểm chuyển đổi số ở cấp phường.
Theo Chủ tịch UBND phường Thạc Gián Nguyễn Ngọc Long, hiện nay, phường công khai 100% thủ tục hành chính, 117/127 thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4 (trừ lĩnh vực chứng thực di chúc hợp đồng, chữ ký). Đến nay, 100% thủ tục hành chính được scan, lưu trữ, xử lý, luân chuyển và ký số trên phần mềm từ lúc tiếp nhận đến lúc trả kết quả; phường cũng đạt 100% tỷ lệ sử dụng hóa đơn điện tử, triển khai đăng ký tài khoản chuẩn bị sẵn sàng thực hiện chứng thực bản sao điện tử, đa dạng hình thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử Momo, quét mã VNpay và chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản UBND phường.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn quận cũng gặp không ít khó khăn về hạ tầng thông tin, trang thiết bị, con người... Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Thanh Khê Ngô Văn Thanh cho biết, ứng dụng công nghệ trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với lĩnh vực xây dựng, hồ sơ còn phải khai báo nhiều, đòi hỏi gửi kèm dữ liệu nên rất bất tiện. Hiện nay, cán bộ công chức xử lý hồ sơ phải tiến hành song song trên môi trường mạng và văn bản giấy nên chưa rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính...
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Long cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng các phần mềm, hệ thống mới; cùng lúc sử dụng nhiều phần mềm của bộ, ngành và thành phố nhưng chưa đồng bộ được dữ liệu làm tăng thời gian xử lý công việc của cán bộ công chức; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc số hóa dữ liệu cho các lĩnh vực chuyên môn…
Nhằm khắc phục hạn chế và tìm ra giải pháp đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời gian đến, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên cho hay, UBND quận vừa tổ chức tọa đàm về xây dựng chính quyền số với sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, các phòng, ban, UBND phường... để lắng nghe ý kiến đóng góp, bài học kinh nghiệm thực tế. Trên cơ sở đó, UBND quận định hướng và tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của quận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trước mắt, ưu tiên nâng cấp hạ tầng (chú trọng kinh phí đầu tư, an toàn thông tin, băng thông và mạng); số hóa dữ liệu đi đôi với quy trình tin học hóa các nghiệp vụ chuyên môn (đưa 100% văn bản trừ văn bản mật lên hệ thống, 100% đơn vị kết nối và luân chuyển văn bản điện tử, phấn đấu cơ bản hoàn thành các phần mềm chuyên ngành cấp quận và phường); kết nối trực tuyến (dạy và học trực tuyến, họp trực tuyến và nộp hồ sơ trực tuyến…).
Đồng thời, chú trọng đầu tư nguồn lực tham gia vào quá trình triển khai chuyển đổi số; hướng đến công tác phối hợp, đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số, tính liên thông dữ liệu, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chuyển đổi số, trong đó tập trung đa dạng hóa các hình thức, đặc biệt thông qua các kênh thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, chung tay vào quá trình chuyển đổi số cùng chính quyền.
“Chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, trong đó có cả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; đồng thời là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển của quận, hướng đến xây dựng quận Thanh Khê là đô thị thông minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XII”, ông Hồ Thuyên chia sẻ.
NGỌC HÀ