Chính trị - Xã hội
Xử lý rác thải xây dựng như thế nào?
Nhằm hạn chế tình trạng đổ xà bần, giá hạ, phế thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân, UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương rà soát, đề xuất các vị trí đổ rác thải xây dựng tạm thời để thu gom, xử lý.
Các địa phương của quận Sơn Trà huy động doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu đất trống. (Ảnh chụp trên đường Vân Đồn, quận Sơn Trà). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Giữa năm 2021, thực hiện chủ trương của UBND quận Sơn Trà, UBND phường Nại Hiên Đông đã làm việc với một doanh nghiệp để triển khai tập kết tạm và xử lý rác thải xây dựng tại khu đất rộng 1,4ha có 4 mặt tiền tuyến đường Khúc Thừa Dụ - Dương Lâm - Trương Quốc Dụng - Phan Huy Thục, thuộc quỹ đất dự trữ phát triển trong tương lai do Nhà nước quản lý và chưa có kế hoạch sử dụng đất.
Theo đó, doanh nghiệp thiết lập hàng rào tôn bao quanh khu đất; tiếp nhận miễn phí rác thải xây dựng do người dân trên địa bàn phường Nại Hiên Đông chở đến đổ; hằng tháng, tiến hành xúc dọn toàn bộ rác thải xây dựng trộm ở các lô đất trống, tuyến vỉa hè, đoạn đường thưa thớt dân cư trên địa bàn phường rồi chở về đây; công khai số điện thoại tiếp nhận vận chuyển rác thải xây dựng trên địa bàn quận Sơn Trà (0935737045)...
Doanh nghiệp tự liên hệ và chở rác thải xây dựng tập kết tạm tại đây đi san lấp mặt bằng, phục vụ thi công các công trình và ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng về việc xử lý rác thải xây dựng... Trước đó, vào năm 2020, quận Sơn Trà cũng có chủ trương sử dụng tạm khu đất trống có diện tích 1.122m2 tại tuyến đường Vân Đồn để tập kết tạm rác thải xây dựng.
Ngày 25-11-2021, Văn phòng UBND thành phố có Thông báo số 696/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam thống nhất tạm thời sử dụng 2 khu đất nói trên để làm khu vực tập kết rác thải xây dựng tạm thời trên địa bàn quận Sơn Trà và sẽ dừng hoạt động khi thành phố có chủ trương triển khai các dự án liên quan. UBND quận Sơn Trà phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của người dân khu vực xung quanh...
Bên cạnh hai điểm tập kết tạm nói trên, các quận, huyện khác đang đề xuất địa điểm để thành phố lựa chọn làm điểm tập kết rác thải xây dựng tạm thời. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu Huỳnh Thị Mộng Huyền cho biết, quận đã có văn bản gửi Sở Xây dựng đề xuất lựa chọn 2 địa điểm tập kết tạm rác thải xây dựng tại khu vực Trạm trung chuyển rác trên tuyến đường Lê Thanh Nghị sau này và một điểm ở phía sau Trung tâm Hội chợ và triển lãm Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) Nguyễn Việt Hùng, thời gian qua, xí nghiệp đã phối hợp các đơn vị chức năng của quận cung cấp các đầu mối liên hệ để thu gom, xử lý rác thải xây dựng khi quận tiến hành cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà, công trình. Tuy nhiên, tình trạng xả thải rác thải xây dựng vẫn còn xảy ra. Xí nghiệp thường xuyên phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cùng các phường tiến hành xúc dọn, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo Sở Xây dựng, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang rà soát, đề xuất vị trí phù hợp để gửi Sở Xây dựng tổng hợp nhằm lựa chọn vị trí và phổ biến cho người dân, doanh nghiệp được biết để vận chuyển, xử lý chất thải này. Hiện Sở Xây dựng đang tổng hợp và đề xuất UBND thành phố quy hoạch địa điểm đổ tạm rác thải xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết tình trạng bức xúc về rác thải xây dựng, tháng 6-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết hợp tác Trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế (Dự án SATREPS) tại thành phố Đà Nẵng.
Dự kiến khi dự án kết thúc, thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch bãi chứa rác thải xây dựng phù hợp; hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng; vận hành được một hệ thống quản lý tiên tiến về rác thải xây dựng; có ít nhất một mô hình thí điểm trung tâm xử lý và tái chế từ rác thải xây dựng; phát triển được 2 công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
HOÀNG HIỆP