Chính trị - Xã hội
Hết lòng vì trẻ em nạn nhân da cam
Chị Nguyễn Thị Kim Yến, 53 tuổi, ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) gần 15 năm làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Lương thấp, công việc nhọc nhằn nhưng chị Yến cùng đồng nghiệp luôn gắn bó với trẻ em nạn nhân da cam bằng tình yêu thương và lòng nhân ái.
Chị Nguyễn Thị Kim Yến (bên trái) hướng dẫn trẻ học tập tại Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố năm 2022. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Từ mờ sáng mỗi ngày, chị Yến đi xe máy vượt qua đoạn đường gần 20km từ phường Hòa Khánh Bắc đến Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Chị tất bật đón các cháu vào lớp học. Nhiệm vụ chính của chị là dạy văn hóa cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Những đứa trẻ khuyết tật bày trước quên sau nhưng chị lúc nào cũng tươi cười, dỗ dành, động viên từng cháu.
Tại một lớp học ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, chị Yến chậm rãi phát âm, rồi nhịp thước cho các cháu nói theo. Lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần nhưng nhiều cháu chưa nói được. Chị Yến đến bên bàn, ân cần vòng tay qua vai một em và tận tụy bày cho em phát âm. Lát sau, chị lại đến bên một em khác, ân cần và kiên trì hướng dẫn… Đến giờ ca hát, chị Yến bắt nhịp và làm động tác mẫu. Các em hát và làm theo. Em nào cũng hát to với vẻ thích thú…
Hằng ngày, ngoài dạy văn hóa, chị Yến còn tham gia các hoạt động chăm sóc, hướng dẫn các em làm hương, cắm hoa, may áo quần, trồng và chăm sóc rau; hướng dẫn luyện tập thể dục, vui chơi, giải trí… “Cán bộ, nhân viên ở đây kiêm nhiệm nhiều việc, vừa lo chuyên môn của mình, vừa tận tâm hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động”, chị Yến bộc bạch.
Gần 15 năm gắn bó với các trẻ em nạn nhân da cam, bao kỷ niệm sâu sắc mãi in đậm trong lòng người nhân viên giàu nhiệt huyết. Chị Yến nhớ mãi em Võ Ý (xã Hòa Nhơn) hồi mới vào trung tâm hung hăng, ngỗ ngược, nói ngọng nặng. Bây giờ, Ý trở thành đứa trẻ ngoan, hoạt bát, hiếu động, thích múa hát và giọng nói cũng ít ngọng hơn trước.
Trong khi đó, em Trần Lê Thống (xã Hòa Phong) không học được chữ nhưng khi nghe hướng dẫn làm vườn, trồng nấm, nuôi gia cầm lại tiếp thu tốt, bày các kỹ năng tự phục vụ cũng làm theo khá nhanh. Đặc biệt, em Phan Thị Yến Nhi (xã Hòa Khương) từ trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, được nhân viên tận tình chăm sóc và kiên trì chỉ bảo, Yến Nhi nhận biết được tín hiệu giao thông, hiện tượng thời tiết, kỹ năng tự sinh hoạt phát triển tốt, được bầu làm thành viên đội văn nghệ…
Chị Yến không sao quên được lần chị bị gãy tay do tai nạn giao thông, khi đến lớp phải treo tay cố định vào cổ. Trong những ngày nghỉ dưỡng thương ở nhà, chị xúc động khi có một phụ huynh điện đến thăm hỏi và cho biết mình là mẹ của trẻ nạn nhân da cam ở lớp chị. Phụ huynh này kể, vì không nói được, em làm động tác diễn tả cô giáo đi xe máy té ngã, gãy tay và giục mẹ điện thoại thăm cô giáo.
“Tấm lòng của những đứa trẻ tật nguyền làm mình ngày càng thêm gắn bó, yêu thương các em nhiều hơn. Vì vậy, có người giúp mình đi làm cho một doanh nghiệp lương cao nhưng mình từ chối”, chị Yến tâm sự.
Thu nhập của chị Yến cũng như các nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố rất thấp. Trung tâm hoạt động bằng nguồn xã hội hóa, cán bộ, nhân viên làm việc chủ yếu bằng sự nhiệt tình, tâm huyết. Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Tô Năm cho biết, lương bình quân của nhân viên chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Còn chị Yến từ tốn chia sẻ: “Hồi mình mới vào làm tại đây, lương tháng chỉ có 1,2 triệu đồng, đến nay lên được 2,7 triệu đồng. Các nhân viên khác trong trung tâm cũng đều như vậy”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chị Yến cùng đồng nghiệp ngày ngày say mê, tận tụy và gắn bó với nạn nhân chất độc da cam bằng tình yêu thương và lòng nhân ái. “Mình rất may mắn được chồng và các con đồng cảm, ủng hộ trong công việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nạn nhân da cam”, chị Yến bày tỏ.
LÊ VĂN THƠM