Hiệu quả từ mô hình "Cầu thang không rác"

.

Đến các khu chung cư thuộc khu vực Nại Hưng 1, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), bạn sẽ luôn thấy hình ảnh cầu thang dẫn lên các tòa nhà được quét dọn sạch sẽ, thoáng mát. Đó là hiệu quả từ mô hình “Cầu thang không rác” do cán bộ và nhân dân trong khu vực đồng thuận thực hiện.

Tranh thủ lúc rảnh, vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc Hoa quét dọn cầu thang chung cư F2, khu vực Nại Hưng 1, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: THANH TÌNH
Tranh thủ lúc rảnh, vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc Hoa quét dọn cầu thang chung cư F2, khu vực Nại Hưng 1, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: THANH TÌNH

Sáng cuối tuần, chúng tôi đến tầng 5 khu chung cư F2, khu vực Nại Hưng 1, thấy bà Đặng Thị Ngọc Hoa (57 tuổi) đang thoăn thoắt quét dọn các bậc cầu thang dẫn xuống các tầng. Sau lưng, chồng bà Hoa mang theo dụng cụ hốt rác để hễ có rác thì phụ vợ cho vào giỏ rồi mang đến điểm tập kết rác. Bà Hoa bộc bạch: “Gia đình tôi dọn về đây sống gần 15 năm. Tính tôi thích sạch sẽ, hễ thấy bẩn là không chịu được nên ngoài dọn dẹp trong nhà, thấy cầu thang bẩn thì tôi tự nguyện lau dọn. Tôi làm công việc này hằng ngày, hằng tuần, dù không ai trả lương nhưng cầu thang sạch sẽ, tôi thấy vui rồi”.

Vợ chồng bà Hoa sống tại chung cư F2 từ năm 2008. Hiện chồng bà Hoa mất sức, không làm được việc nặng. Sức khỏe của bà Hoa cũng không tốt nên hằng ngày ai gọi thì bà nhận phụ giúp việc nhà. “Hồi đầu, khi tôi quét dọn cầu thang, một vài người lên xuống tỏ ra ngạc nhiên, nhưng sau họ lại ý thức hơn. Trước đây, tàn thuốc, nilon, chai nhựa đụng đâu vứt đó ngổn ngang trên các bậc thang nhưng nay hình ảnh đó không còn nữa, mọi người chung tay giữ gìn môi trường sạch đẹp, không xả rác bừa bãi”, bà Hoa cho hay.

Khu chung cư F2 có hai cầu thang lên xuống, bà Hoa phụ trách một cầu thang, cầu thang còn lại do bà Lê Thị Gái (56 tuổi) đảm nhận. Bà Gái là hộ nghèo, mỗi ngày phụ dọn dẹp cho các quán ăn từ sáng đến đêm khuya. Ấy vậy mà cứ có thời gian rảnh, bà Gái lại tranh thủ quét dọn cầu thang. “Mỗi người góp một tay thì chung cư sạch, đẹp hơn. Tôi cùng chị Hoa đã làm công việc này nhiều năm vì tập thể và môi trường nơi mình sống”, bà Gái bày tỏ.

Khu vực Nại Hưng 1 có 6 tổ dân phố, trong đó 5 tổ dân phố sống ở trong 10 block chung cư 5 tầng với 360 hộ. Các hộ trong khu vực đa phần được bố trí chung cư vì nằm trong diện giải tỏa đền bù hoặc hộ nghèo, hộ khó khăn. Theo bà Trịnh Thị Nhật Lệ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu vực Nại Hưng 1, phường Nại Hiên Đông, trước đây, người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ môi trường, còn vứt rác bừa bãi trên các lối đi, cầu thang, nhưng từ khi thực hiện mô hình “Cầu thang không rác” thì tình trạng này chấm dứt hẳn.

Bà Lệ cho biết, mô hình “Cầu thang không rác” do Ban công tác Mặt trận khu vực Nại Hưng 1 cùng tổ trưởng các tổ dân phố và các nhà trưởng chung cư chung tay vận động nhân dân thực hiện với các nội dung: Không xả rác bừa bãi, không đổ nước, không để các vật dụng lấn chiếm lối đi ở các hành lang cũng như các bậc cầu thang... Mô hình ra đời được nhân dân ủng hộ và tự giác hơn trong việc bảo vệ mội trường. Người dân còn chung tay mua bóng đèn bắt sáng trên các lối đi chung của cầu thang và hành lang đủ ánh sáng phục vụ việc đi lại.

“Từ khi triển khai mô hình “Cầu thang không rác”, người dân ý thức hơn, gắn bó và đoàn kết hơn. Trong thành công chung của mô hình có công lao rất lớn của những người ngày đêm âm thầm dọn sạch cầu thang như chị Hoa, chị Gái và sự chung tay của nhân dân. Khi cầu thang trở nên sạch sẽ, người dân vận động nhau đóng góp tiền sơn sửa mặt tiền, trang trí cờ, hoa trong các ngày lễ, Tết, nhờ vậy khu vực khang trang hẳn”, bà Lệ nhìn nhận.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.