Trong đợt mưa lớn bất thường kéo dài từ ngày 31-3 đến ngày 2-4 trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường, khu vực dân cư bị ngập úng cục bộ; lũ trên 3 cả tuyến sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và 1.176ha lúa, rau, hoa màu, ao nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi, có khả năng hư hỏng. Hiện các đơn vị, địa phương đang vừa chuẩn bị ứng phó với đợt mưa lớn, dông lốc có khả năng xảy ra trong những ngày đến, đồng thời thống kê thiệt hại để đề xuất hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Mưa lớn bất thường gây ngập úng một số diện tích lúa trên địa bàn xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong đợt mưa lớn bất thường kéo dài này, trên địa bàn thành phố có lượng mưa phổ biến 300-400mm, riêng tại Hòa Phú Thành (huyện Hòa Vang) lên đến 490,6mm và tại Bà Nà đến 631mm. Hệ thống thoát nước của thành phố chỉ có khả năng đáp ứng được với những trận mưa có cường độ dưới 50mm/giờ nhưng vào thời điểm 21-22 giờ đêm 1-4, tại nhiều khu vực có lượng mưa cao hơn 50mm/giờ, nhất là tại quận Cẩm Lệ đến 58,4mm, phường Hòa Hải 78,8mm (quận Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) 73,8mm...
Nhiều tuyến đường, nút giao thông đã bị ngập cục bộ như: ngã tư tuyến đường Núi Thành - Tiểu La, ngã tư tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, ngã ba tuyến đường Trần Phú - Hoàng Văn Thụ, kiệt 383 Núi Thành, kiệt 640 Trưng Nữ Vương, các tuyến đường Quang Trung, Hải Hồ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng (trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh), Tôn Đức Thắng (khu vực cầu Đa Cô và tuyến cống dọc tuyến đường Yên Thế - Bắc Sơn)...
Một số khu vực dân cư tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), thôn Trung Sơn thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) đã bị ngập khoảng 1m. Mưa lũ gây chia cắt thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang); ngập sâu khu vực vùng rau an toàn thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), một số tuyến đường, khu vực dân cư thuộc xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và đoạn thấp trũng của tuyến đường Thăng Long.
Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết hiện nay công ty đang kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác khơi thông, nạo vét các cửa thu nước dọc các tuyến đường và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, nhân lực để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước; chủ động mở cửa phai tại các hồ để tăng cường khả năng điều tiết nước; khẩn trương kiểm tra, rà soát tình trạng máy bơm, nguồn điện bảo đảm các trạm bơm chống ngập hoạt động ổn định, bố trí nhân lực trực thường xuyên và thực hiện phương án bơm nước kịp thời, hợp lý khi có mưa, không để xảy ra tình trạng ngập úng tại khu vực...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, cường độ mưa tập trung lớn như đợt mưa lớn vừa qua đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước thành phố. Tuy nhiên, những điểm ngập đã có biện pháp xử lý và kinh nghiệm thì các đơn vị đã xử lý tốt, nhất là tại tuyến đường Hải Hồ và khu vực dân cư sát hồ Ba Sen Vàng (quận Hải Châu). Trạm bơm cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm đã đưa vào vận hành thử nên cũng giúp giảm ngập, nếu không có trạm bơm này thì khu vực trung tâm còn ngập nặng hơn.
Sở Xây dựng đang kiểm tra, rà soát lại để phục vụ công tác chống ngập hiệu quả. Đồng thời, sở cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt lưu ý tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ hoặc có khả năng bị ngập úng nhằm bảo đảm thoát nước...
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến chiều tối 3-4, mưa lớn bất thường và lũ đã làm 941,4ha lúa đang trổ, chín bị ngập, ngã đổ, có khả năng hư hỏng (chiếm 37,3% tổng diện tích gieo sạ lúa vụ đông xuân); 243,8ha rau, hoa, màu bị ngập; 19,8ha nuôi trồng thủy sản bị trôi...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh thông tin, trong ngày 3-4, huyện tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát diện tích sản xuất lúa, rau, hoa màu... và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do đợt mưa lũ bất thường vừa qua gây ra. Trên cơ sở đó, huyện sẽ phân loại các thiệt hại để phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND thành phố, Chính phủ có hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cũng thông tin, sở đang phối hợp với các quận, huyện thống kê, rà soát các thiệt hại do đợt mưa lớn bất thường gây ra, trên cơ sở đó có những đề xuất hỗ trợ, khắc phục thiệt hại.
Khẩn trương khắc phụcNgày 2-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 298/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại, hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân tái sản xuất; hỗ trợ người dân về lương thực để không hộ nào bị thiếu đói; rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương. Các địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa từ đêm 3-4 đến ngày 6-4... Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố vừa có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai ứng phó với gió mùa đông bắc, mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu, thuyền còn hoạt động trên biển biết tình hình để chủ động phòng tránh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ động quản lý tàu, thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc với tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các đơn vị chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn và các biện pháp phòng, chống ngập úng, khơi thông dòng chảy... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống kê thiệt hại về nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp để có hướng hỗ trợ nhân dân vùng lũ và khắc phục nhanh hư hỏng của công trình thủy lợi, bảo đảm phục vụ tưới... Miền Trung: 88.274ha lúa và 14.783ha rau, hoa màu bị thiệt hạiNgày 3-4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thông tin, đợt mưa lớn, dông lốc vừa qua đã làm 2 người chết (tại tỉnh Phú Yên và Quảng Nam), 1 người mất tích (tại tỉnh Phú Yên) và 5 người bị thương nhẹ (Thừa Thiên Huế); 2 nhà bị sập, 49 nhà tốc mái, 229 ghe thuyền bị chìm; 2.543 lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại; 88.274ha lúa và 14.783ha rau, hoa màu tại 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa bị thiệt hại; tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện bị vỡ, cuốn trôi (tuyến đập ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ tưới cho 1.800ha lúa của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng)... Tiếp tục mưa to đến rất toNgày 3-4, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, từ ngày 4 đến 6-4, khu vực từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với dự báo tổng lượng mưa đo được tại tỉnh Thừa Thiên Huế phổ biến 30-70mm, có nơi hơn 100 mm; tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phổ biến 70-120 mm, có nơi hơn 150 mm; tại tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định phổ biến 80-150 mm, có nơi hơn 200mm; tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa phổ biến 100-200mm, có nơi hơn 250mm; các tỉnh Tây Nguyên phổ biến 50-100mm, có nơi hơn 120mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. |
HOÀNG HIỆP