Chính trị - Xã hội

Phụ nữ tích cực bảo vệ môi trường

13:38, 28/04/2022 (GMT+7)

Hơn 1 năm triển khai, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh, tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” giai đoạn 2020-2022, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố thực hiện mang lại hiệu quả xã hội tích cực, giúp nhiều người hưởng lợi.

Hội viên phụ nữ xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) tham gia Tổ nòng cốt thu gom, phân loại rác thải tại địa phương. Ảnh: T.D
Hội viên phụ nữ xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) tham gia Tổ nòng cốt thu gom, phân loại rác thải tại địa phương. Ảnh: T.D

Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh, tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” được chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, triển khai từ tháng 12-2020 đến tháng 6-2022 tại 5 phường, xã gồm: phường Mỹ An, Hòa Hải, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) và các xã Hòa Ninh, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Trong khuôn khổ dự án, Hội LHPN thành phố phối hợp các địa phương thí điểm một số mô hình mang lại hiệu quả cao như: khu du lịch không rác thải nhựa; thành lập tổ nòng cốt thu gom rác thải tại khu dân cư; CLB phụ nữ ve chai; thí điểm mô hình trồng chuối lấy lá, sản xuất phân hữu cơ. Đồng thời, cho ra mắt 7 tổ nòng cốt, gồm 116 thành viên là người dân tại khu dân cư. Theo thống kê, các tổ nòng cốt tham gia 30 hoạt động làm sạch bãi biển, tổ chức 85 lượt ra quân dọn vệ sinh. Qua đó, thu gom được hơn 3 tấn rác tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp.

Tại huyện Hòa Vang, Ban điều hành dự án phối hợp các chuyên gia lĩnh vực môi trường triển khai thí điểm mô hình trồng chuối lấy lá và sản xuất phân hữu cơ. Qua đó, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ 300 cây chuối lấy lá cho 4 hộ dân; hướng dẫn, hỗ trợ thiết bị sản xuất phân hữu cơ cho 6 hộ dân và 1 farmstay. Là hộ dân hưởng lợi từ mô hình sản xuất phân hữu cơ, chị Lê Thị Khanh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết, lợi ích từ mô hình mang lại rất nhiều như: giảm chi phí mua phân bón hóa học, có nguồn thực phẩm sạch và tránh gây hại cho đất đai, bảo vệ môi trường.

Nguồn phân hữu cơ này được sản xuất từ rác thải thực phẩm trong quá trình chế biến thức ăn nên rất an toàn, dễ làm. Do đó, các hộ gia đình lân cận cũng mong muốn mô hình được duy trì, triển khai rộng khắp để mọi người cùng tham gia. “Trong khuôn khổ dự án, Hội LHPN thành phố còn tài trợ cho mỗi hộ dân một thùng rác và hướng dẫn phân loại rác tái chế. Hằng tháng, chị em tiến hành thu gom, bán rác thải tái chế để gây quỹ hỗ trợ các em học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn, góp phần vào công tác an sinh xã hội tại địa phương”, chị Khanh chia sẻ.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, dự án tổ chức thí điểm mô hình “Khu du lịch không rác thải nhựa”, lắp đặt hàng chục thiết bị truyền thông, thu gom rác tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố du lịch An Thượng. Đồng thời, triển khai 3 tổ nòng cốt phân loại rác tại nguồn đem lại hiệu quả tích cực. Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn Trần Thị Ngọc Lan, những hoạt động tuyên truyền, triển khai tổ nòng cốt, nhất là sự tiên phong, nhiệt tình của chị em phụ nữ trong thực hiện dự án được chính quyền địa phương, đơn vị môi trường đồng hành, đánh giá cao.

Nhằm phát huy nguồn lực từ cộng đồng, Hội LHPN quận còn thành lập CLB Phụ nữ buôn bán ve chai, hoạt động tại các khu dân cư triển khai dự án. Không chỉ được người dân khu vực ủng hộ, mô hình này còn giúp nâng cao thu nhập trung bình của người thu gom ve chai lên khoảng 1-2 triệu đồng. “Thời gian đến, Hội LHPN quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, tái tạo môi trường cho hội viên phụ nữ. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng”, chị Lan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Huyền cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song tiến độ, mục tiêu đặt ra vẫn cơ bản hoàn thành với gần 1.000 người hưởng lợi. Cùng với đó, địa phương thực hiện dự án được hưởng là nâng cao năng lực cho cộng đồng về phân loại rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Trách nhiệm cộng đồng trong triển khai hoạt động phân loại rác tại địa phương cũng được tăng lên đáng kể. Về lâu dài, các trang thiết bị thu gom phân loại rác thải được trang bị từ dự án sẽ là những phương tiện truyền thông trực quan, tác động trực tiếp đến cộng đồng, tạo thói quen cho người dân trong việc phân loại rác thải. Từ đó, giảm số lượng chất thải rắn sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương và xây dựng được nguồn quỹ an sinh xã hội từ phân loại rác.

Điều phối viên quốc gia UNDP Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, qua 15 tháng triển khai, dự án đạt được những kết quả tích cực, huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Các hoạt động truyền thông phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo bà Thu Huyền, thời gian tới, Ban điều hành dự án cần duy trì, mở rộng các hoạt động như: tăng cường truyền thông cho cộng đồng về phân loại rác, cam kết thực hiện phân loại rác tại cộng đồng, hỗ trợ cho thành viên CLB phụ nữ ve chai. “Dự án là tiền đề mở ra nhiều mô hình hay, hướng mới cho hoạt động của các cấp hội phụ nữ. Đặc biệt, sau khi dự án kết thúc, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để duy trì, kế thừa, nhân rộng những thành quả đã đạt được trong công tác phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa”, bà Thu Huyền cho biết.

THIÊN DUYÊN

.