Sử dụng hộ tịch điện tử: Vẫn phải chờ

.

Theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 4-1-2022 của Bộ Tư pháp quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, thay vì sử dụng giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn bản giấy để làm thủ tục hành chính (TTHC) như trước đây, có hiệu lực từ ngày 18-2-2022, người dân có thể dùng bản điện tử thay vì bản giấy để làm TTHC liên quan. Trên thực tế, việc sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử đến nay chưa thể triển khai do chưa bảo đảm lộ trình, sự thống nhất trên toàn quốc.

Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” UBND quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: MINH SƠN
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” UBND quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: MINH SƠN

Cần lộ trình

Biểu mẫu điện tử của giấy tờ hộ tịch đã chính thức được Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo Bộ Tư pháp, giá trị pháp lý của bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn có giá trị sử dụng như bản giấy trong các giao dịch, TTHC thực hiện trực tuyến. Theo đó, bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn có mã QR, cán bộ làm TTHC chỉ cần quét mã QR để truy cập các thông tin chi tiết của các loại giấy tờ này trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Người dân không phải xuất trình bản giấy để đối chiếu.

Người dân muốn sử dụng dịch vụ, truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, thành phố để đăng ký tài khoản và xác thực người dùng theo hướng dẫn, có thể nộp lệ phí bằng hình thức thanh toán trực tuyến và được nhận bản điện tử của giấy tờ hộ tịch qua email, kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin. Một số TTHC như: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử... sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước thông tin này, một số người dân khi được hỏi rất quan tâm, vì đây là các loại giấy tờ được họ sử dụng nhiều nhất. Anh Nguyễn Minh Hiền, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chia sẻ: “Việc triển khai sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử sẽ tiện lợi và nhanh chóng cho người dân hơn nhiều, giảm thời gian, giảm chi phí, rủi ro khi đi lại. Tuy nhiên, việc hướng dẫn để người dân thuận lợi trong thực hiện và giao dịch rất cần chi tiết, cụ thể và dễ hiểu, kể cả những người không sành về công nghệ”.

Hiện nay, do một số địa phương trên toàn quốc chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… nên chưa thể triển khai ngay việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch. Theo hướng dẫn từ Thông tư số 01/2022/TT-BTP, trong thời gian chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa vận hành thống nhất, chưa kết nối, khai thác được dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân...

Đà Nẵng sẵn sàng triển khai

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thanh Việt, quy định của Trung ương về việc triển khai giấy tờ hộ tịch điện tử (khai sinh/khai tử/kết hôn) sẽ đưa lên dịch vụ công cấp 3. Riêng tại Đà Nẵng các thủ tục trên đã được đưa lên mức độ 4. Do đó, các địa phương trên địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm điều kiện để triển khai sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử. “Hiện nay, chỉ còn chờ Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp/kết nối giữa Hệ thống giải quyết TTHC của thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông, bảo đảm thống nhất, hiệu quả khi cung cấp dịch vụ cho người dân”, ông Việt nói.

Hiện nay người dân Đà Nẵng vẫn có thể yêu cầu cung cấp hồ sơ hộ tịch điện tử, với điều kiện cán bộ chuyên môn phải xử lý kết hợp quy định từ Thông tư số 01/2022/TT-BTP và thông tư quy định về ban hành biểu mẫu cũng như chữ ký số lãnh đạo để cung cấp dịch vụ cho người dân. Tuy nhiên, giấy tờ hộ tịch điện tử này sẽ không có mã quét QR.

Cuối năm 2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5001/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn thành phố vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Ngày 2-3, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1111/UBND-STP về việc triển khai các quy định của Thông tư số 01/2022/TT-BTP; trong đó yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND thành phố việc triển khai số hóa đối với các sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương.

Giao UBND các quận, huyện, phường, xã chủ động xây dựng dự toán kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Theo Sở Tư pháp, đến nay việc triển khai theo chỉ đạo của thành phố đúng lộ trình, tiến độ.

Trưởng phòng Tư pháp quận Liên Chiểu Ông Trường Phúc cho biết, hiện quận đang triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng về công nghệ thông tin để việc triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định. Còn tại quận Ngũ Hành Sơn, hiện công tác số hóa hồ sơ hộ tịch đang được thực hiện theo đúng lộ trình.

MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích