Chính trị - Xã hội

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất, xử lý ngập úng cục bộ

08:30, 05/04/2022 (GMT+7)

Ngày 4-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn ký Công văn số 1703/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai.

Theo đó, UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện làm tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra (theo địa bàn quản lý); khôi phục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân; quan tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn; cảnh báo, quản lý, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi xuất bến, hoạt động trên biển, trên sông...

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai Công điện số 02/CĐ-PCTT ngày 2-4-2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, đợt mưa từ ngày 4 và 5-4, trong đó lưu ý xử lý ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vận hành các trạm bơm chống ngập có hiệu quả...

Cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố có Thông báo số 09/TB-PCTT về áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện trái quy luật và đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương chủ động ứng phó.

Theo đó, tại Công văn số 181/VPTT ngày 3-4-2022 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, khoảng từ ngày 7 đến 8-4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới trên vùng biển nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông. Đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sớm hơn so với quy luật hằng năm.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương chủ động theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn và trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có thể xảy ra. Các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết tình hình để chủ động các biện pháp phòng tránh...

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, tính đến chiều 4-4, diện tích lúa bị ngập, ngã đổ, có khả năng hư hỏng, hư hỏng một phần đã tăng lên 991,8ha (39,2% so với tổng diện tích lúa vụ đông xuân); diện tích rau, hoa, màu...bị ngập, dập tăng lên 287,9ha (45,2% tổng diện tích trồng); diện tích nuôi trồng thủy sản bị trôi là 19,8ha (chiếm 11,3% tổng diện tích). Mưa lũ làm bồi lấp, sạt lở một số công trình kênh mương thủy lợi với tổng khối lượng cần phải nạo vét đến 991m3 đất đá.

Còn theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đợt mưa, lũ, dông lốc bất thường vừa qua làm 4 người chết (tại các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), 1 người mất tích (ở tỉnh Phú Yên), 5 bị thương nhẹ (ở tỉnh Thừa Thiên Huế); 2 nhà bị sập (ở Phú Yên), 48 nhà tốc mái (Quảng Trị 3 nhà, Thừa Thiên Huế 33 nhà, Phú Yên 12 nhà). Bên cạnh đó, có 2.592 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 262 ghe, thuyền bị chìm; 88.055ha lúa, 16.177ha rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại...

Hiện các địa phương đang khẩn trương tiêu úng, thu hoạch lúa, rau, hoa màu; trục vớt tàu, thuyền, ghe bị chìm. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại, hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân tái sản xuất; thường xuyên nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa từ ngày 5 đến 6-4 và theo dõi, sẵn sàng ứng phó với khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, bão ở phía đông Philippines có thể vào Biển Đông những ngày đến...

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 6-4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa dự báo tại tỉnh Thừa Thiên Huế phổ biến 20-50mm, có nơi hơn 60mm; thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phổ biến 30-60mm, có nơi hơn 80mm; tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định phổ biến 40-70mm, có nơi hơn 80mm; Phú Yên và Khánh Hòa phổ biến 70-120mm, có nơi hơn 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ dao động ở mức báo động (BĐ)1, có sông hơn BĐ1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) còn có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 3-5m; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.

HOÀNG HIỆP

.