Chính trị - Xã hội

Viết tiếp khúc quân hành

13:27, 22/04/2022 (GMT+7)

Cựu chiến binh, Đại tá Đoàn Văn Danh ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) có hai con trai đều là cán bộ cao cấp của Quân khu 5. Gia đình có truyền thống chung bước quân hành không chỉ là niềm tự hào của ông mà hơn hết, những năm tháng trong quân ngũ là ký ức đẹp đẽ nhất của vị cựu binh già.

Cựu chiến binh Đoàn Văn Danh bên các kỷ vật chiến lợi phẩm của địch mà ông thu được và lưu giữ qua nhiều năm. Ảnh: A.Đ
Cựu chiến binh Đoàn Văn Danh bên các kỷ vật chiến lợi phẩm của địch mà ông thu được và lưu giữ qua nhiều năm. Ảnh: A.Đ

Đại tá Đoàn Văn Danh quê xã Quế Bình (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Ông sinh ra trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước với 6 anh em trai. Cha mất sớm, các anh trai đều hăng hái tham gia cách mạng.

Noi gương các anh, Đoàn Văn Danh bắt đầu hoạt động cách mạng bí mật từ năm 15 tuổi, rồi lên đường chiến đấu. Ông tham gia và trực tiếp chỉ huy tại các đơn vị đặc công, bộ binh qua nhiều chiến trường: Quảng Nam, Quảng Trị, Campuchia và địa bàn chiến lược Tây Nguyên với 46 trận lớn nhỏ. Nổi bật là các trận đánh của bộ đội đặc công vào các đồn bót địch có các loại công sự kiên cố vững chắc, tiêu diệt gọn nhiều sinh lực địch.

Đáng nhớ nhất với ông là trận đánh của Liên đội đặc công V16 nhận nhiệm vụ tiêu diệt 6 vị trí địch trong nội thị Tam Kỳ dịp Tết Mậu Thân 1968. Ông Danh là người cắm lá cờ đỏ sao vàng trên Sở Chỉ huy Trung đoàn 6 ngụy.

Cuộc đời bôn ba trận mạc, ông Danh ở trong đội hình hơn chục đơn vị khác nhau. Năm 1969, ông ra Bắc chữa trị vết thương. Một năm sau, ông được biên chế vào Sư đoàn 325C, sau đó đánh Thành cổ Quảng Trị. Về lại Quảng Nam cuối năm 1973, ông tiếp tục theo các mũi tiến công cho đến ngày giải phóng. Từng hai lần có mặt làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông về hưu năm 1989 khi mới 44 tuổi, do vết thương tái phát. Ghi nhận những cống hiến trong suốt quá trình tham gia cách mạng, Đại tá Đoàn Văn Danh được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý.

Ở tuổi 77, cựu chiến binh Đoàn Văn Danh vẫn tràn đầy sinh lực. Là cán bộ hưu trí nhưng ông vẫn xông xáo nhiều việc xã hội. Nếu không bàn việc chi bộ, tổ dân phố thì đi gặp gỡ đồng đội, hội thảo, tham gia viết sách lịch sử, hoạt động hội cựu chiến binh...

Trong suốt 27 năm tham gia chiến đấu, Đại tá Đoàn Văn Danh luôn yên tâm tư tưởng, xung phong ra trận, cầm chắc tay súng để chiến đấu với kẻ thù, bởi đằng sau có hậu phương vững chắc là người vợ đảm đang, trung hậu, tảo tần. Cưới nhau lúc ở trên núi, năm 1969, khi ông được lệnh ra Bắc chữa bệnh, vợ sinh con trai đầu lòng. Con tròn 1 tuổi bà cũng vượt Trường Sơn bế con ra với chồng. Ba tháng hành quân là lúc cậu con trai 5 lần lên cơn co giật, phải thường xuyên cấp cứu. Con trai thứ hai ra đời khi ông chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ông cười: “Dẫu tôi không thường xuyên ở bên nhưng hình ảnh của người cha luôn hiển hiện trong ngôi nhà, máu quân ngũ có lẽ thấm đẫm trong các con từ rất sớm như một lẽ tự nhiên, nên các con tự khắc noi theo, dấn thân vào con đường binh nghiệp”. Suốt cuộc đời, ông Danh luôn dặn con mình phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước.

Đoàn Văn Nhất, cậu bé cùng mẹ hành quân 3 tháng gian khổ trên đường Trường Sơn ra Bắc năm nào nay là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, sau khi trải qua các cương vị Chính ủy Sư đoàn 2, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum. Anh luôn phát huy truyền thống tự hào của gia đình, phấn đấu nỗ lực không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Con trai thứ hai của Đại tá Đoàn Văn Danh là Đại tá Đoàn Duy Tân đang giữ chức vụ Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, luôn mẫu mực về mọi mặt, giản dị trong lối sống, gần gũi với quần chúng. Không chỉ hoàn thành chức trách của một cán bộ chỉ huy, Đại tá Đoàn Duy Tân còn luôn quan tâm đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội, giúp đỡ người nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Đại tá Đoàn Duy Tân tâm sự: “Bản thân tôi có được ngày hôm nay là tiếp nối từ truyền thống vẻ vang của gia đình, nhưng hơn hết là niềm tự hào vì được Quân đội đào tạo và trưởng thành. Vì thế, tôi luôn mong muốn được viết tiếp khúc quân hành của cha anh bằng chính cống hiến của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc“.

Nhà ông Đoàn Văn Danh có một Thiếu tướng và hai Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Rất nhiều người ngưỡng mộ, quý trọng gia đình ông với truyền thống “lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

ANH ĐỨC

.