Bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

.

Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm đường ngang dân sinh, các tổ cảnh giới đường sắt phải túc trực 24/24 giờ. Đây là những lực lượng không chuyên được các quận, huyện hợp đồng làm việc hoặc do các cựu chiến binh đảm nhận.

Người dân lưu thông qua đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt tại Km 793+150, trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: THÀNH LÂN
Người dân lưu thông qua đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt tại Km 793+150, trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: THÀNH LÂN

Với chiều dài hơn 40km đi qua 4 quận, huyện, tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố còn 12 đường ngang dân sinh đi qua, trong đó có 8 đường ngang dân sinh có người cảnh giới (31 người) do Ban An toàn giao thông thành phố và UBND các quận, huyện phối hợp thực hiện. Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả từ các cấp, ngành chức năng và các địa phương của thành phố… nhờ đó, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được bảo đảm an toàn, thông suốt. Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đóng toàn bộ đường ngang dân sinh qua đường sắt đến năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Cựu chiến binh Mai Nếp (trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thuộc tổ cảnh giới tại Km 781+545 đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn quận Liên Chiểu cho biết, trước đây, đường ngang này không có gác chắn và đèn cảnh bảo, chỉ có biển báo hiệu, lại nằm trong khu dân cư. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe qua lại, số vụ tai nạn giao thông tại đường ngang này thường xuyên xảy ra.

Ban An toàn giao thông thành phố cùng quận Liên Chiểu thành lập một gác chắn. Ban đầu, có 3 cựu chiến binh tự nguyện ra gác chắn túc trực nhưng sau thời gian làm việc, có người vì lý do sức khỏe nên không còn gác ở chốt. Hiện tổ gác chắn này có 5 thành viên, trong đó có 2 cựu chiến binh. Tất cả thành viên của tổ đều phải chia nhau túc trực 24/7 để bảo đảm an toàn giao thông tại đây.

Anh Lê Nguyễn Xuân Hưng, thành viên tổ cảnh giới tại Km 793+150 thuộc địa bàn quận Thanh Khê cho biết, tổ cảnh giới cũng chia người túc trực 24/7, bảo đảm không để xảy ra tai nạn giao thông ở đường ngang dân sinh này. Vì vậy, tai nạn giao thông đường sắt đã giảm trong nhiều năm qua.

Ông Tôn Thất Vinh, người trực tại tổ cảnh giới Km 977+170 trên địa bàn quận Cẩm Lệ cho hay, tổ cảnh giới có 6 thành viên, chia làm 3 ca, mỗi ca có 2 người túc trực thường xuyên 24/7. Đây cũng là điểm nằm ở khu dân cư đông đúc, nhiều phương tiện qua lại nên mọi người phải cảnh giới cao độ, nhất là về đêm khi tầm nhìn hạn chế nên quyết tâm bảo đảm an toàn, không để xảy ra sai sót tại điểm cảnh giới này.

Theo Phòng Quản lý kết cầu hạ tầng giao thông Đà Nẵng (Sở Giao thông vận tải), thành phố còn 12 lối đi dân sinh, trong đó có 7 vị trí có mật độ lưu thông cao đã bố trí tăng cường tổ cảnh giới, chốt gác 24/7 để cảnh giới an toàn giao thông. Đối với 5 vị trí còn lại, UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi, đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Lê Tặng cho biết, từ nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương sớm thành lập các tổ cảnh giới đường ngang dân sinh cắt đường sắt; đồng thời duy trì việc chi trả kinh phí cho 31 lao động hợp đồng của 8 tổ cảnh giới có người gác (thành phố chi trả 50%, quận, huyện chi trả 50%).

Ngoài ra, các ngày lễ, Tết, lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố, Ban An toàn giao thông các quận, huyện, công ty quản lý đường sắt đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cán bộ cảnh giới đường ngang. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, các vụ tai nạn giao thông trên đường sắt cũng như tại các đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt trên địa bàn thành phố đã giảm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Bùi Hồng Trung thông tin, các hạng mục xây dựng đường gom, đường ngang kết nối giao thông thông suốt làm cơ sở để xóa bỏ 12 lối đi tự mở còn lại trên địa bàn. Đây cũng là hạng mục nằm trong Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích