Hồi ức chiến trường K

.

Sau 43 năm rời chiến trường biên giới Tây Nam, những người lính tình nguyện năm ấy vẫn xúc động mỗi khi nhắc lại thời tuổi trẻ không ngại gian khổ, hiểm nguy, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tấm ảnh ông Nguyễn Văn Hậu và những trang nhật ký chiến trường biên giới Tây Nam được ông giữ lại đến ngày nay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tấm ảnh ông Nguyễn Văn Hậu và những trang nhật ký chiến trường biên giới Tây Nam được ông giữ lại đến ngày nay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

1. Năm 1977, ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1959, quê tỉnh Quảng Trị, hiện ở 49 Hồng Bàng, phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) lên đường nhập ngũ, biên chế về Trung đoàn 9, thuộc Sư đoàn bộ binh 304, Quân đoàn 2, đóng tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Như bao tân binh thời ấy, ông tham gia các khóa huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, vận động tấn công, bắn máy bay tầm thấp… Các bài tập huấn luyện diễn ra ở mấy quả đồi nằm quanh doanh trại; những ngày đầu, đoạn đường hành quân dài vài cây số, mang vác nhẹ, sau tăng dần về quãng đường lẫn trọng lượng mang vác, xuyên đêm, nhiều lúc phải chạy theo các tình huống giả định.

“Là người lính, có lệnh là đi, gặp giặc là đánh”, ông Hậu bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian ông rời Đà Nẵng, vào chiến trường biên giới Tây Nam theo lệnh hành quân. “Sau một tuần cấm trại, chúng tôi bí mật xuất phát khuya 24-12-1978. Cả trung đoàn đi bộ khoảng 25km, men qua các quả đồi, ra đường lộ, hướng về sân bay Đà Nẵng. Tại đây, lúc 13 giờ 35 ngày 25-12, tôi được lên chiếc TU.134 vào sân bay Tân Sơn Nhất, nơi có một hàng dài xe quân sự chờ sẵn. Không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi lên ô-tô, đi liên tục, qua nhiều địa phận các tỉnh phía Nam. Thỉnh thoảng, trên đường đi, tôi đọc địa danh trên các bảng hiệu còn sáng đèn, biết mình vừa ngang qua tỉnh Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long ngày nay), qua thành phố Cần Thơ, thị xã Long Xuyên (tỉnh An Giang) hướng ra miền biên giới. Sau 2 ngày ròng rã ngồi xe, chúng tôi đổ quân ở xã Ba Chúc thuộc huyện Bảy Núi (cũ), tỉnh An Giang - nơi Khmer Đỏ vừa sát hại hơn 3.000 đồng bào ta. Nhìn làng mạc hoang tàn, nhà cửa đổ nát, lòng chúng tôi đau như xát muối”, ông Hậu nhớ lại.

Cuốn nhật ký thời chiến giúp ông Hậu lưu lại gần như trọn vẹn những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Cụ thể, những ngày và đêm cuối năm 1978, Khmer Đỏ vẫn hung hăng tràn sang lấn đất, đánh chiếm các cứ điểm của quân ta ở kênh Vĩnh Tế, xã Chúc Động. Đầu năm 1979, sau một tuần phản công Khmer Đỏ, giải phóng vùng rộng lớn, quân ta giao lại quyền kiểm soát cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, tiếp tục hành quân về mặt trận phía Nam, ngày đi, đêm nghỉ.

“Hơn 40 năm, tôi luôn tự hào vì mình và đồng đội đã góp một phần nhỏ bảo vệ, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Chúng tôi dự tính cuối năm nay sẽ về thăm lại chiến trường xưa, ngắm những cột mốc chủ quyền cắm trên cánh đồng yên bình, cò bay thẳng cánh”
Ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1959, quê tỉnh Quảng Trị, hiện ở 49 Hồng Bàng, phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)

Căn cứ hải quân Ream, thuộc tỉnh Sihanoukville là quân cảng tiền đồn của hải quân Khmer Đỏ, tập kết hàng ngàn quân lính. Chiều 9-1-1979, mũi tiến công của Trung đoàn 9 tiếp cận cửa ngõ vào cảng Ream, đồng thời mũi tiến công của Trung đoàn 66 (F304) tiến về giải phóng thành phố cảng Sihanoukville. Con đường vào quân cảng một bên núi cao, một bên biển sâu, Khmer Đỏ chống trả quyết liệt nhưng không cản nổi sức tấn công của bộ đội ta nên phần lớn bị tiêu diệt hoặc bỏ chạy. Thất bại, tàn quân Khmer Đỏ rút vào rừng sâu, tập hợp lực lượng bắn phá theo chiến thuật du kích. Thời gian này, ông Hậu cùng đồng đội ngày rời chốt truy quét địch, đêm quay về bảo vệ quân cảng, có hôm chốt ngay trong rừng sâu, kịp thời cắt đứt sợi dây liên kết trước khi đánh nhanh, diệt gọn Khmer Đỏ.

2. Cũng chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam cuối những năm 1978-1979, ông Nguyễn Anh (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vẫn nhớ như in ngày ông rời ngành giáo dục, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, hỗ trợ nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông Anh kể, năm 1978, đang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), ông cùng hai người bạn thân Phan Văn Ngọc và Võ Quang Nam nhận lệnh tổng động viên tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Sau một tháng huấn luyện nhanh, các ông được điều về Trung đoàn 96 thuộc Sư đoàn 309, Quân khu 5, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Hậu (đứng, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội ở chiến trường biên giới Tây Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Văn Hậu (đứng, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội ở chiến trường biên giới Tây Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đầu tháng 11-1978, vừa đặt chân đến biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Anh và Võ Quang Nam được cấp trên giao nhiệm vụ thông tin vô tuyến phục vụ mục đích chiến đấu, còn ông Ngọc về Đại đội Vận tải. Với chiếc máy PRC25, ông Anh nhiều đêm thức trắng học thuộc bộ mã vô tuyến, sau đó quay về huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) học đồ bản theo lệnh cấp trên. Từ đó, những người bạn bặt tin nhau. Cuối tháng 11 cùng năm, ông Anh quay lại Trung đoàn 96, nhận nhiệm vụ vẽ hoặc lắp ghép, tác nghiệp bản đồ, vẽ chiến lệ theo yêu cầu của trưởng ban tác chiến. “Ở chiến trường lâu, nghe tiếng súng nổ chúng tôi có thể biết được đó là tiếng súng của quân ta hay địch. Có lần, tôi phát hiện chiếc trực thăng của ta đi lấy thương (chở bộ đội bị thương về tuyến sau - PV) nhưng lại bay về hướng đất Thái Lan, tôi báo cho anh Sơn - Trung đoàn trưởng và được anh chỉ đạo vệ binh hun khói, đồng thời điện cho đơn vị pháo binh 36 cất nòng pháo để hỗ trợ máy bay ta quay về”, ông Anh kể.

Thời điểm đó, tại Campuchia, Trung đoàn 96 phần lớn đóng quân tại tỉnh Ratanakiri ở vùng cao nguyên Đông Bắc, giáp hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai (Việt Nam), chuẩn bị cuộc hành quân đuổi giặc vùng biên giới, bàn giao cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ông Anh cho biết, giữa lúc vẽ, lắp ghép bản đồ theo yêu cầu cấp trên, ông nhận tin Phan Văn Ngọc - người bạn thân thiết- bị thương, muốn gặp. “Nghe tin Ngọc bị thương, tôi vội chạy ra, thấy bạn nằm đó, mắt nhắm nghiền, toàn thân bê bết máu. May mắn, sau đó Ngọc được trực thăng lấy thương đưa về Bệnh viện C17 Đà Nẵng chữa trị và được cứu sống”, ông Anh bồi hồi nhớ lại.

Hỏi điều gì khiến bản thân ray rứt khi rời chiến trường biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Anh nói đó là chuyện đi ba, về hai giữa những người bạn thân. Chiến trường ác liệt, ngoài Phan Văn Ngọc bị thương nặng buộc lui về hậu cứ, người bạn tên Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Campuchia trong một lần hành quân theo đơn vị (nay an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Để tưởng nhớ bạn mình, ông Anh và ông Ngọc đã đặt một tấm bia đá lên bàn thờ liệt sĩ, ghi lên đó hai câu thơ của Hồ Thấu- nhà thơ người lính trong kháng chiến chống Pháp, cùng quê với Nam: Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhớ nhắc người hôm qua.

Sau 43 năm, những người lính như ông Hậu, ông Anh cho biết, ước mong duy nhất được trở lại chiến trường xưa, nơi có đồng đội đã hy sinh, nằm lại. “Hơn 40 năm, tôi luôn tự hào vì mình và đồng đội đã góp một phần nhỏ bảo vệ, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Chúng tôi dự tính cuối năm nay sẽ về thăm lại chiến trường xưa, ngắm những cột mốc chủ quyền cắm trên cánh đồng yên bình, cò bay thẳng cánh”, ông Hậu chia sẻ.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích