Lần giở những trang viết, những bức ảnh chụp những người lính từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà nửa thế kỷ trước, lòng rưng rưng. Họ là những nhân vật, nhân chứng cho những người làm báo chúng tôi được chuyển tải câu chuyện về một thời đánh giặc, giữ nước.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Kim Hùng (bên trái) trong ngày gặp mặt đồng đội tháng 3-2011. Ảnh: H.N |
Những người lính ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân, cuộc đời cho Tổ quốc. Bây giờ, nhiều người đã trở về với đất mẹ. Và những trang ghi chép của chúng tôi trở thành những trang sử một thời của các chú, các anh.
Gặp lại sau 50 năm mở đường vào Nam
Năm 2009, tôi được Ban Biên tập phân công đưa tin về cuộc gặp mặt của những người lính trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1959, thi hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II. Tháng 1-1959, hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết 15, xác định giải phóng miền Nam bằng con đường đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị và sau cuộc họp đợt 2 (7-1959), Nghị quyết 15 được thông qua và phổ biến khẳng định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.
Cầm giấy mời trên tay, tôi biết mình phải tìm gặp các chú trước khi cuộc gặp chính thức diễn ra. Tôi “lội” khắp nơi để gặp các chú và được các chú trực tiếp dẫn tôi đi đến gặp đồng đội của họ. Tôi “bén duyên” với những người lính đặc công của H29, của Tiểu đoàn 89 từ dạo đó.
Sau khi Nghị quyết 15 ra đời, những cán bộ người miền Nam tập kết ra Bắc có 3 tháng huấn luyện trước khi lên đường trở lại chiến trường. Các ông được tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí: là cán bộ đảng viên tự nguyện trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu; chưa có gia đình; có gia đình nhưng phải là thành phần “chất lượng cao”. Nói về thành phần “chất lượng cao” này, ông Đỗ Phú Đáp lúc đó là đại úy, cán bộ tham mưu khu ủy thời kỳ đầu, đã có gia đình, kể: “Lúc đó chúng tôi phải đấu tranh tư tưởng rất căng, phải thông suốt để lên đường làm nhiệm vụ; có thể là một đi không trở lại. Lúc đó tôi đã phải nói dối với vợ con là “đi Liên Xô học tập”. Mãi đến năm 1963, ông mới có thể viết thư về cho gia đình nói rõ sự thật…
Năm 2009, tức sau 50 năm trở lại chiến trường miền Nam, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khi đó đề nghị Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Kim Hùng, nguyên Chủ nhiệm đặc công Quân khu 5, tổ chức một cuộc gặp mặt “những người đi đầu nếm mật nằm gai”. Tại cuộc gặp mặt tháng 3 năm đó, số lượng người đi theo tiếng gọi của Nghị quyết 15 chỉ còn rất ít. Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Chính trị viên Đại đội đặc công H29, một trong những đơn vị tiền thân xây dựng lực lượng thời kỳ đầu liên lạc với anh em không ở Đà Nẵng. Người ở gần nhất là Quảng Nam, có người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên…
Trong giây phút mừng vui của ngày gặp mặt, các ông đã phác họa một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của Cách mạng miền Nam. Thế hệ trẻ chúng tôi được biết đến những người ngày đầu gây dựng lại lực lượng, bắt liên lạc dần với cán bộ cơ sở ở lại, không đi tập kết, mà trong các trang sử chưa hề nhắc đến. Sau gần 5 năm ra Bắc, họ về lại miền Nam bằng một chuyến đi cắt rừng. Bỏ lại phía sau họ tên thật, và những gì “liên quan đến miền Bắc” như ống kem đánh răng cũng phải tẩy sạch chữ. Trong ba lô chỉ có áo quần, lương khô, gạo, muối, hai khẩu súng và những tấm hình chụp người thân của các đồng đội đang ở Bắc, có gia đình ở Quảng Nam, Đà Nẵng để sau này bắt liên lạc, tìm cơ sở hoạt động.
Đến đầu năm 1960, các ông mới liên hệ với đồng bào. Đồng bào dân tộc biết các cán bộ là bộ đội Cụ Hồ đã ủng hộ đến cùng. Trung tá, Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, chỉ huy Tiểu đoàn đặc công 89 nhớ lại: “Đồng bào rất tin Đảng, tin Bác Hồ. Đến mùa thu được 50 gùi lúa, họ chia cho bộ đội 30 gùi, giữ lại phần mình ít hơn”.
Trong cuộc gặp mặt lần ấy, ông Nguyễn Đình Tham là một trong số hàng nghìn thanh niên thoát ấp chiến lược, tìm lên rừng đánh giặc. Ngày gặp lại, ông Tham cũng đã vào lớp “thất thập cổ lai hy”.
Sử sách còn ghi
Đại đội đặc công H29 do Chính trị viên Trần Thận, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Bí thư Ban cán sự khu Trung của tỉnh gồm các địa phương Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Hội An, đứng ra thành lập; ông Nguyễn Chơn lúc này là cán bộ tham mưu, Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Khu 5, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tác chiến. Đơn vị có 14 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc vào. Quân số có thêm cán bộ đang hoạt động ở Tam Kỳ, Điện Bàn và 50 thanh niên ở vùng ấp chiến lược được tuyên truyền, vận động cộng thêm 30 người của quân khu tăng cường. Chỉ trong 3 năm ở căn cứ, H29 đã tham gia đánh 11 trận, diệt 510 tên địch, bắt sống 60 tên, thu nhiều súng, đạn quân dụng…
Cuối năm 1962, Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành Quảng Nam - Quảng Đà, H29 cũng thực hiện chia tách thành 2 đại đội là H29 và Tiểu đoàn 89. Tiểu đoàn 89 sau này gắn với nhiều chiến công oanh liệt do Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn dẫn đầu.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Thủy (bên trái) gặp mặt đồng đội từng chiến đấu trong đơn vị đặc công H29 (Ảnh chụp tháng 3-2011). Ảnh: H.N |
Tháng 2-1962, các chiến sĩ đặc công ghi chiến công ở trận Nam Thành, khi bắt sống được 2 cố vấn Mỹ. Đây cũng là trận bắt lính Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Tháng 4 cùng năm, trận Điện Ngọc nổi tiếng với 7 Dũng sĩ Điện Ngọc.
Tháng 3-2011, trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 36 năm giải phóng Đà Nẵng, tôi được gặp chú Nguyễn Tám (Tám Riều), một trong 7 Dũng sĩ Điện Ngọc. Ông kể, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ngày 22-4-1964 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Phát biểu cảm nghĩ trước khi trận đánh diễn ra, ông Tám nói: “Đi chiến đấu trận này, tôi không sợ đổ máu, không sợ hy sinh, chỉ sợ không đủ đạn để chiến đấu với quân thù...”. Ngày gặp mặt đồng đội, ông Tám đến, tay phải đã bị liệt, chân phải rất yếu phải chống gậy. Khi bước lên bậc thềm, những đồng đội cũng tóc bạc, da mồi phải dìu ông từng bước.
Tôi nhớ cũng trong một cuộc gặp mặt tháng 3 năm đó, ông Trần Thận đến. Người chỉ huy năm xưa được người cháu nội dìu từng bước lên cầu thang. Đến nơi, ông bảo, xưa trèo núi băng rừng phăm phăm mà giờ bước mỗi bậc cầu thang cũng khó. Nghe ông nói, dâng lên trong mỗi người niềm thương cảm và kính phục.
Cuối năm 2011, ông Trần Kim Hùng về miền mây trắng ở tuổi 82; giờ các ông Nguyễn Tám, Nguyễn Thanh Thủy… cũng đã đi gặp người chỉ huy Trần Thận. Trong những ngày đất nước cùng ôn lại những chiến công năm xưa, tên của những người anh hùng từng vào sinh ra tử ấy thêm một lần được nhắc đến. Và hơn hết, lịch sử nhắc tên các ông, cũng như nhắc tên những người lính đã không tiếc máu đào nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc.
Mới thấy, những cuộc gặp mặt của hơn 10 năm trước thật quý giá, cho lớp chúng tôi hiểu sâu thêm một lát cắt của lịch sử. Khắc ghi.
HOÀNG NHUNG