Chính trị - Xã hội
Mô hình tư vấn, kết nối, điều trị người nghiện ma túy ở phường Tam Thuận
Gần hai năm qua, phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) là một trong những địa phương triển khai hiệu quả mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị người nghiện ma túy. Nhờ đó giúp hàng chục người nghiện cai nghiện thành công, có việc làm, trở thành người có ích.
Ông Nguyễn Nam Thắng, cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở phường Tam Thuận đang tư vấn, hỗ trợ người nghiện. Ảnh: HƯƠNG SEN |
Mô hình nhằm tạo điều kiện để người sử dụng dụng trái phép ma túy, người nghiện, sau cai nghiện và thân nhân của họ có nhiều cơ hội tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị, hỗ trợ điều trị nghiện và các dịch vụ liên quan. Qua đó, giúp họ lựa chọn hình thức điều trị phù hợp, hiệu quả và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Nam Thắng, cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở phường Tam Thuận cho biết, lần đầu tiên mô hình được triển khai trên địa bàn phường khiến ông khá lo lắng. Lo về cách thức tổ chức hoạt động, lo vì phương pháp vận động đối tượng tham gia..., song với sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), địa phương đã xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng trong năm 2021, qua mô hình, địa phương tổ chức nhiều lượt tư vấn cho 17 đối tượng tham gia, đến nay chưa có đối tượng tái nghiện.
Điển hình cho cai nghiện thành công của địa phương là anh P. V. A (sinh năm 1991, ở phường Tam Thuận). Anh V. sử dụng ma túy từ năm 2010, qua 4 lần cai nghiện tại Trung tâm 05-06 thành phố, 2 lần cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, 2 lần đi điều trị rối loại tâm thần do sử dụng ma túy, sau khi kết thúc cai nghiện về địa phương, anh được tham gia mô hình để được tư vấn tâm lý... Qua 12 tháng, do có nhiều tiến bộ, anh xin tham gia công tác an ninh cơ sở, được phân công nhiệm vụ trong ban bảo vệ dân phố của địa phương. Nhận thấy quá trình tiến bộ của anh, địa phương hỗ trợ kinh phí dự phòng cho anh để sắm đồ nghề, tăng vốn mở quầy bán thịt tại một chợ trên địa bàn thành phố.
Em V. P. N, (sinh năm 2001) cũng là một trường hợp như vậy. Năm 2015, N. sử dụng ma túy và được địa phương đưa vào quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và tiếp tục cai nghiện tự nguyện 4 lần tại cơ sở xã hội Bầu Bàng. Đến tháng 5-2020, về địa phương, em được giới thiệu tham gia cùng mô hình, được phân công người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ, tạo việc làm. Thấy em tiến bộ, địa phương hỗ trợ em học nghề trang trí cổng cưới, làm tổ chức sự kiện. Đến nay, công việc của N. ổn định, sức khỏe tốt và em không còn giao du với bạn xấu như trước.
Mô hình tư vấn, kết nối, điều trị nghiện thời gian qua góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí trong đề án của Thành ủy về mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng không được quản lý”.
Ông Nguyễn Nam Thắng cho biết: “Mô hình tư vấn, kết nối điều trị nghiện là hình thức người cần cai nghiện vẫn có thể sống cùng gia đình, tâm lý thoải mái hơn, từ đó có động lực và quyết tâm cai nghiện thành công, góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung và giảm tác hại do ma túy gây ra”. Theo ông Thắng, để nhân rộng mô hình, cần tăng cường kêu gọi tổ chức cùng chung tay cho công tác kết nối điều trị nghiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để giảm bớt kỳ thị với người nghiện, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
HƯƠNG SEN