Chính trị - Xã hội
Người đam mê trồng rừng
Rừng cây gỗ lớn rộng 79ha của ông Nguyễn Hữu Hoàng ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang là mô hình trồng cây gỗ lớn đầu tiên tại Đà Nẵng. Được trò chuyện, thăm cánh rừng xanh ngút mắt càng hiểu thêm quyết định của ông Hoàng khi bỏ vị trí ông chủ doanh nghiệp, bán cả nhà cửa để mua đất trồng rừng, lập trang trại...
Ông Nguyễn Hữu Hoàng tại khu vực đầu tư trồng rừng cây gỗ lớn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Cánh rừng của ông Nguyễn Hữu Hoàng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tại tiểu khu 22, xã Hòa Liên hiện nay là dự án trồng rừng cây gỗ lớn lớn nhất huyện Hòa Vang. Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, cho hay: “Ông Hoàng là người rất mê rừng, từng làm giám đốc một doanh nghiệp nhưng từ bỏ, bán nhà, bỏ cả phố để trở về Trường Định mua lại rừng của một số người dân, lập hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt để trồng rừng cây gỗ lớn với diện tích hơn 79ha thuộc khoảnh 1, tiểu khu 22”.
Tiếp chuyện chúng tôi trong lán nhỏ là người đàn ông ngoài 50 tuổi, làn da đen sạm song ánh mắt toát lên niềm vui. Rót ly nước mời khách, ông Hoàng bắt đầu câu chuyện: “Mình là người con của quê hương Trường Định, xã Hòa Liên. Lớn lên, rời quê xuống phố làm ăn nhưng lúc nào cũng đau đáu được trở về quê với mong muốn biến những quả đồi trọc thành rừng. Nếu xét về lâu dài, việc trồng cây gỗ lớn sẽ đem lại lợi ích lớn cho người dân, vừa phục vụ cho mục đích nâng cao độ che phủ rừng, tạo cảnh quan môi trường…”.
Trước đây, ông Hoàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lâm sản, ông thấy các loại gỗ bản địa Việt Nam có chất lượng tốt gấp nhiều lần gỗ các nước khác. Tuy nhiên, những năm trước đây việc khai thác diễn ra ồ ạt nên tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, trở thành tác nhân gây nên nhiều thảm họa như sạt lở đất, lũ lụt, làm cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Làm giàu từ việc buôn bán các loại hàng lâm sản, nên ông Hoàng sớm nhận ra mình cũng có một phần lỗi trong việc làm cho rừng quê mình chóng nghèo đi.
Để “trả nợ” cho rừng, đầu năm 2018 ông Hoàng quyết tâm bỏ phố về quê trồng cây, gây rừng. Với nhiều người, chuyện ông Hoàng trồng rừng cây gỗ lớn là chuyện khó tin vì nếu trồng cây gỗ nhỏ dễ có lãi, nhanh thu hồi vốn. Hơn nữa, dự án trồng rừng của ông phải chờ 20 - 30 năm sau cây mới cho gỗ và vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm ông Hoàng nhụt chí.
“Ban đầu bỏ phố về rừng nhiều người cho rằng mình bị “khùng” nên mới làm vậy. Nhưng được sự hậu thuẫn, đồng tình từ vợ con, khi bắt tay vào việc trồng rừng, tôi đã lặn lội ra tỉnh Thanh Hóa tìm mua giống từ Công ty CP giống lâm nghiệp. Tháng 10-2018, những cây giống đầu tiên được vận chuyển về xã Hòa Liên và khi những cơn mưa đầu mùa năm xuất hiện cũng là lúc những cây con bắt đầu bén rễ, vươn những lá đầu tiên trên diện tích gần 50ha”, ông Hoàng chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, ông Hoàng đã trồng phủ 55% diện tích đất đăng ký với 55.000 cây lát hoa, 60.000 cây giáng hương, 60.000 cây sưa đỏ, 3.000 cây đàn hương, 2.500 cây chò, 45.000 cây dổi hương, 800 cây lim xanh. Hiện khu rừng tạo thu nhập ổn định cho 15 lao động và sau 20 năm sẽ có giá trị gỗ thương phẩm từ 300 - 500 tỷ đồng. Nhưng điều đặc biệt là ông đã trả lại cho rừng màu xanh vốn có và tạo ra sự cân bằng sinh thái, nâng độ che phủ, bảo vệ nguồn nước…
Theo ông Lê Đình Ca, dự án trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 22, xã Hòa Liên là mô hình trồng cây gỗ lớn đầu tiên tại Đà Nẵng nhằm tạo ra những cánh rừng cây gỗ lớn, giống bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang tính ổn định, lâu dài nhằm góp phần cải thiện môi trường sống.
Hiện ngành nông nghiệp đang nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo thành phố có cơ chế để hỗ trợ người dân và mở rộng mô hình này ở nhiều vùng trên địa bàn. “Hiện chúng tôi cũng đang hướng dẫn cho ông Hoàng các thủ tục để chuyển từ giấy cấp đất rừng sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để ông yên tâm giữ rừng. Đồng thời, ông cũng có thể dùng giấy chứng nhận này để thế chấp với các ngân hàng vay vốn, phát triển sản xuất”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, trồng rừng cây gỗ lớn là một chủ trương lớn Chính phủ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2019-2030. Theo đó, thành phố cũng đã có chủ trương hỗ trợ thêm cho người dân, doanh nghiệp trồng rừng tại Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các chủ trương, chính sách này còn chậm, số lượng người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận rất ít. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường, phổ biến chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để các tổ chức, hộ gia đình nắm bắt chủ trương và tham gia, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho thành phố, góp phần duy trì độ che phủ rừng.
“Cần khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư lâu dài cho việc trồng, chuyển sang trồng rừng cây gỗ lớn nhằm phát triển rừng bền vững. Việc trồng rừng cây gỗ lớn không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn hạn chế được tình trạng thu hoạch cây ngắn ngày gây sạt lở, cháy rừng. Đồng thời, cần khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư lâu dài cho việc trồng, chuyển sang trồng rừng cây gỗ lớn nhằm phát triển rừng bền vững”, ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.
TRỌNG HÙNG