Chính trị - Xã hội
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra từ ngày 4 đến 10-5 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, góp ý thẳng thắn, khách quan vào nội dung Đề án và thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến cán bộ, đảng viên, người dân thành phố bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh chủ trương này.
* Đại tá, Cựu chiến binh Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5: Chủ trương rất cần thiết
Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh rất cần thiết, đáp ứng với tình hình để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải thực sự có tâm, có phẩm chất đạo đức, thực sự vì nhân dân, hiểu dân và đặc biệt tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành để xử lý các vụ việc. Thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng thường đụng chạm đến quyền lợi các tập thể, cá nhân, với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi; khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp...
Thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Đã có nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh lực lượng vũ trang bị xử lý.
Gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng tiếp tục đẩy mạnh, minh chứng là xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, như: vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty CP Công nghệ Việt Á; vụ án “nhận hối lộ” tại Bộ Ngoại giao, vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất thường” và phát hành trái phiếu có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Tân Hoàng Minh…
* Ông Nguyễn Đức Cam, nguyên Phó Chánh Thanh tra thành phố: Giám sát quyền lực người đứng đầu
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, cần phải giám sát quyền lực người đứng đầu. Việc kiểm soát quyền lực thể hiện ở việc tự kiểm soát của cá nhân, cơ quan Nhà nước kiểm soát và kiểm soát của xã hội. Trong đó, có cơ chế thật thuận lợi cho xã hội tham gia kiểm soát quyền lực như tạo điều kiện cho người dân và báo chí được tiếp cận thông tin và tham gia ý kiến vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác cũng phải có cơ chế thật cụ thể để Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia giám sát, phản biện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc kiểm soát quyền lực phải được tiến hành thường xuyên và đồng bộ với các chủ thể nắm quyền lực tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng kiểm soát quyền lực người trực tiếp thực hiện quyền hành pháp, bởi vì họ là người trực tiếp điều hành xã hội và thực hiện các chính sách cụ thể. Cạnh đó, cần đào tạo những cán bộ công chức trong các cơ quan, tổ chức đủ năng lực trong việc giám sát và phản biện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
* Bà Ngô Thị Tuyết Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu: Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Luật Tố cáo 2011 và Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thể hiện rất rõ việc khuyến khích người dân giám sát, tố cáo tham nhũng và chịu trách nhiệm theo pháp luật về tố cáo. Tuy nhiên, do cơ chế bảo vệ bí mật cho người tố cáo vẫn còn hạn chế, chưa chặt chẽ và còn lỏng lẻo khiến nhiều người vẫn còn ngần ngại, không dám tố cáo. Vì vậy, cần có cơ chế bảo vệ tuyệt đối bí mật, ai làm lộ thông tin liên quan đến người tố cáo sẽ chịu trách nhiệm. Ngoài ra, pháp luật cần quy định cơ chế khen thưởng xứng đáng cho người tố cáo, qua đó khuyết khích cá nhân trong công tác tố giác, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
* Ông Phạm Văn Chi, Bí thư Chi bộ Đa Mặn 9A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn: Phải làm mạnh để đảng viên không dám, không thể, không cần tham nhũng
Dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt kết quả tốt, song cho thấy các văn pháp luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nhiều sơ hở. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số bộ luật để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, vì đây là những điểm nghẽn đang tạo kẽ hở cho một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân; cần hoàn thiện pháp luật đủ sức răn đe những hành vi như sản xuất, tiêu thụ hàng giả, bằng cấp, giấy tờ giả, đưa tin thất thiệt, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có hình thức, biện pháp giáo dục, răn đe thường xuyên, mang tính lâu dài, đồng bộ để mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức “không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”…
NGỌC PHÚ ghi