Chính trị - Xã hội

Quốc hội thảo luận nhiều nội dung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật

06:49, 25/05/2022 (GMT+7)

Ngày 24-5, Quốc hội làm việc tại hội trường và thảo luận ở tổ về những nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tế và xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể  tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Ảnh: TTXVN

Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh

Trình bày tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Theo nghị quyết, đến năm 2020, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362km, đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai 211km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là 79.022 tỷ đồng.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 đến năm 2025 tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chỉ chuẩn bị đầu tư, tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

Chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực

Trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nghị quyết qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, các mục tiêu, yêu cầu về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến ngày 31-12-2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 tại thời điểm 15-8-2017 và số nợ xấu phát sinh mới trong thời gian nghị quyết có hiệu lực. “Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Do đó, việc duy trì cơ chế, chính sách tại nghị quyết và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là rất cần thiết”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong thời gian áp dụng nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng cao so với trước đây. Một số biện pháp được thí điểm như mua bán nợ theo giá trị thị trường, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán từng bước phát huy tác dụng… Về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết này. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. “Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến hết ngày 31-12-2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 4

Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5-2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án luật. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

* Chiều 24-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung; Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh thảo luận tại tổ đại biểu số 2 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Tây Ninh, Bình Thuận và Khánh Hòa.

Các đại biểu tán thành việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và đánh giá những mặt đạt được, tồn tại, hạn chế thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh sự cần thiết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây là cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu rõ các cơ sở thực tiễn, yêu cầu phát triển tỉnh Khánh Hòa; đồng thời cho rằng cơ chế chính sách đặc thù, tài chính, việc thu hồi đất khá tương đồng với cơ chế của một số tỉnh, thành mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho rằng đối với dự án nhóm B không nên giới hạn phạm vi và một số loại dự án nên giao cho HĐND tỉnh quyết định với tất cả các dự án nhóm B, đồng thời cần tổng kết, đánh giá nhân rộng ra các địa phương. Về một số cơ chế, chính sách phát triển trong Khu kinh tế Vân Phong, cơ bản thống nhất nhưng cần có cơ chế, giám sát thực hiện chặt chẽ hơn.

Về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, tuy nhiên, báo cáo xác định nguyên nhân chủ quan của hạn chế là rất ít. Các bộ, ngành, địa phương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua không đề cập sâu đến trách nhiệm và lỗi chủ quan dẫn đến các hạn chế; chưa đánh giá tồn tại theo hình thức PT. Báo cáo chưa nói rõ nguyên nhân chủ quan trong quá trình triển khai, nhất là hạn chế trong việc để cho các lợi ích nhóm chi phối, việc đặt các trạm BOT, cơ chế thu phí… Những vấn đề này gây bức xúc cho xã hội, hạn chế thu hút các nhà đầu tư.

Đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao việc ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với dự án nhóm B, không nên phân biệt lĩnh vực về tách giải tỏa tái định cư ra dự án riêng. Đồng thời, đồng tình thống nhất thành lập quỹ phát triển thủy sản để huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển thủy sản cũng như việc vươn khơi của người dân, qua đó không chỉ phát triển kinh tế mà còn tăng sự hiện diện của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

.