Chính trị - Xã hội

Cách làm hay về giáo dục truyền thống

07:46, 27/06/2022 (GMT+7)

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hòa Vang đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đem lại hiệu quả cao.

Hằng năm, Hội CCB huyện Hòa Vang phối hợp Huyện Đoàn ký kết chương trình liên tịch về giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thanh, thiếu niên. Theo đó, hai đoàn thể phối hợp tổ chức các chương trình gặp mặt nhân chứng lịch sử ngay tại các bia chiến tích với sự tham gia của các tầng lớp thanh, thiếu niên. Chuyện kể của các nhân chứng sống ngay ở nơi diễn ra các chiến công năm xưa tác động trực tiếp nhận thức của lớp trẻ hôm nay, qua đó, trong lòng các bạn trẻ tự hình thành sự hiểu biết và niềm tự hào về tinh thần chiến đấu kiên cường của thế hệ cha anh. 

Tại buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử tổ chức mới đây trong khuôn viên Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm ở thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong), CCB Trần Chiến Chinh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 Khu II Hòa Vang (hiện ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã dẫn dắt tuổi trẻ Hòa Vang ôn lại trận chiến “cắm cờ giành đất” đầu năm 1973. Các bạn trẻ khâm phục trước tinh thần chiến đấu quyết tử của lực lượng vũ trang trên quê hương vành đai diệt Mỹ năm xưa.

Trong khi đó, CCB Trần Đình Thuyên, báo cáo viên Đảng ủy xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang nhiều lần kể lại trận tấn công tiêu diệt đồn Pháp ở thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến năm 1952. Ông Thuyên cho biết, cuộc hành quân bí mật của Tiểu đoàn 89 Liên khu 5 từ Bình Định qua Quảng Ngãi, Quảng Nam, cắt về vùng căn cứ Hòa Khương, khẩn trương làm mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trong sự đùm bọc của nhân dân. Đêm 18-9-1952, đơn vị vượt sông Yên, băng qua nhiều xóm làng, đồng ruộng, khéo léo tiếp cận mục tiêu, bất ngờ nổ súng, diệt gọn đồn Lệ Sơn, bắt sống cả tên ác ôn Đội Tước - chỉ huy đồn Lệ Sơn. “Trong trận tấn công đồn Lệ Sơn, nhân dân vùng Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến đã huy động hàng trăm ghe thuyền, đưa bộ đội sang sông, bảo đảm bí mật và thời gian, hỗ trợ bộ đội thu chiến lợi phẩm, vận chuyển thương binh, tử sĩ rời khỏi trận địa nhanh chóng, tránh được phi pháo địch”, CCB Trần Đình Thuyên thông tin.

Chuyện kể về các chiến công từ những nhân chứng sống đi vào lòng tuổi trẻ một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ. Đối chiếu với nội dung ghi trên các bia chiến tích, các bạn trẻ thêm hiểu về sự kiện lịch sử và càng thấy rõ cái giá xương máu của cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay, qua đó, tự cảm nhận trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Theo Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Thị Giang Thủy, giáo dục truyền thống bằng hình thức gặp mặt, giao lưu, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, tuổi trẻ dễ nhớ các chiến công, chiến tích, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với đọc tư liệu hoặc báo cáo miệng.

Chủ tịch Hội CCB thành phố Huỳnh Minh Chức nhìn nhận: “Giáo dục truyền thống bằng hình thức gặp mặt nhân chứng lịch sử ngay tại các bia chiến tích ở huyện Hòa Vang là cách làm hay, sát thực tế và đạt hiệu quả cao”.

LÊ VĂN THƠM

.