Chính trị - Xã hội
Chung tay xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
Trong các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng thành phố môi trường, bên cạnh sự tham gia của người dân địa phương còn có sự đóng góp nhiệt tình của những người nước ngoài. Đặc biệt, các địa phương, tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực và các chương trình, dự án góp phần giúp thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Chuyên gia người Nhật Bản (bên trái) của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) tham gia phân loại, thu gom rác tài nguyên tại một khu dân cư ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê vào tháng 5-2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Người nước ngoài thu gom, phân loại rác
Đều đặn hằng tháng, ông Koichi Akiyama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cùng cán bộ, công nhân trong công ty tổng dọn vệ sinh, thu gom rác vương vãi ở bên trong lẫn bên ngoài hàng rào của nhà máy và dọc theo đường số 6 của Khu công nghiệp Hòa Khánh. Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường 2022, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, ngày Môi trường thế giới (5-6), cuối tuần qua, ông Koichi Akiyama khởi xướng chương trình tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác tại bãi biển và khu vực rừng dương phòng hộ ven biển dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đoạn từ Trần Đình Tri đến Khu du lịch Xuân Thiều (chiều dài 1,5km) với sự tham gia của 605 cán bộ, công nhân trong công ty.
Ông Koichi Akiyama vừa cổ động công nhân, vừa trực tiếp thu gom rác và nhiều mảnh thủy tinh vỡ, đầu lọc thuốc lá vứt bừa bãi ở khu vực rừng dương phòng hộ, nơi có nhiều người đến dạo chơi, nhất là trẻ em. Ông Koichi Akiyama còn kêu gọi công nhân tiếp tục tham gia, hưởng ứng chương trình này trong những lần đến khi công ty phát động. “Hy vọng việc làm của chúng tôi sẽ giúp cho môi trường của quận Liên Chiểu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung ngày càng sạch và đẹp hơn”, ông Koichi Akiyama nói.
Trong khi đó, dù không sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng nhưng các ông Yasuhiko Hotta, Makoto Tsukiji, Toru Nishiyama và bà Miho Hayashi đang công tác tại Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) thường xuyên đến Đà Nẵng để hỗ trợ triển khai các dự án quản lý, bảo vệ môi trường. Ngay sau khi Covid-19 được kiểm soát trở lại trạng thái bình thường mới, từ ngày 19-5 đến 24-5 vừa qua, đoàn công tác của IGES đến Đà Nẵng khảo sát, cùng tham gia phân loại rác tại nguồn với người dân ở các khu dân cư thuộc 2 quận Hải Châu, Thanh Khê. Đồng thời, các chuyên gia của IGES làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về các nội dung triển khai trong giai đoạn 2 của dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải (3R) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,6 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2024.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng đánh giá, IGES là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã đóng góp rất tích cực cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua với nhiều hoạt động. Cụ thể là các chuyên gia của IGES cùng với thành phố Yokohama (Nhật Bản) hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng và triển khai thành công dự án Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí tài trợ 11,1 tỷ đồng. Các chuyên gia của IGES cùng Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; hỗ trợ thực hiện chương trình hợp tác giữa thành phố Yokohama với thành phố Đà Nẵng về hướng đến một xã hội phát thải carbon thấp giai đoạn 2021-2023 với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng.
Nỗ lực xây dựng thành phố môi trường
Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà thông tin, Đà Nẵng đã và đang đón nhận nhiều sự quan tâm từ các tổ chức trong, ngoài nước và các chuyên gia quốc tế. Bên cạnh các đối tác trong, ngoài nước hỗ trợ 12 dự án trực tiếp với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” trong giai đoạn 2021-2024, tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Ngoài ra còn có hơn 25 cán bộ đầu mối, chuyên gia kỹ thuật trao đổi và trực tiếp hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế... Thông qua các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các đối tác trong, ngoài nước, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường trao đổi, đề xuất và tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều chương trình, dự án, vấn đề khó và mới đặt ra trong thực tiễn phát triển của thành phố; đồng thời cũng đề xuất hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế để thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, xây dựng các quy chuẩn công trình đô thị, hạ tầng kỹ thuật môi trường; phát triển nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, cơ sở công nghiệp xanh, tuần hoàn chất thải... Đà Nẵng cần hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh; tăng cường năng lực thu gom và xử lý nước thải, xử lý khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp; chuyển giao công nghệ tiết kiệm nước, tái sử dụng nước sau xử lý; xã hội hóa, huy động các nguồn lực về xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, thu hồi tài nguyên (tái chế, năng lượng); tiếp tục xây dựng mô hình đô thị tuần hoàn tài nguyên: phân loại rác, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa...
Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ xây dựng mô hình và các công viên trong đô thị; bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước; cải thiện cảnh quan môi trường các hồ sinh thái, hồ thủy lợi, kênh mương và cải thiện các điểm ô nhiễm... Đây là những hoạt động rất thiết thực, góp phần mang lại hình ảnh môi trường Đà Nẵng ngày càng sinh thái, hướng đến phát triển bền vững.
HOÀNG HIỆP