Chuyển biến tích cực trong dạy nghề cho lao động nông thôn

.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng đẩy mạnh theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tăng cao, cung ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Hình thành nhiều mô hình hiệu quả

Năm 2019, anh Cao Văn Tới (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố, Hội Nông dân thành phố tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt và hỗ trợ con giống nên anh mạnh dạn đầu tư nuôi cá thát lát, cá trắm cỏ, cá Koi trên diện tích ao hồ khoảng 5.000m2, đồng thời liên kết với nhiều hộ khác để bảo đảm đầu ra cho thị trường. Việc nuôi cá thuận lợi nên anh mạnh dạn mở cơ sở sản xuất chả cá thát lát để cung cấp cho thị trường huyện Hòa Vang, tạo việc làm cho 6 lao động thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết, việc đào tạo nghề và hỗ trợ cho vay đầu tư cho người lao động ở nông thôn theo tinh thần của Chỉ thị số 19-CT/TW được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Qua đó, đã hình thành các mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả, nổi bật là mô hình nghề nuôi cá diêu hồng tại xã Hòa Phong, mô hình nuôi tôm ở xã Hòa Liên, mô hình nuôi cá trê lai, cung cấp cá giống ở xã Hòa Khương, mô hình nuôi cá trám tại xã Hòa Phú.

“Mỗi mô hình trung bình 15-20 hộ gia đình tham gia, giải quyết việc làm cho 50 -100 lao động. Có những hộ tham gia vào mô hình đạt thu nhập cao, điển hình như hộ ông Đỗ Trực tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên lợi nhuận có được từ nuôi tôm đạt 300 đến 350 triệu đồng /năm”, ông Sỹ nói.

Bên cạnh mô hình nuôi cá nước ngọt, mô hình trồng nấm thời gian qua đã thu hút nhiều người lao động nông thôn tham gia. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, sau mỗi khóa đào tạo nghề, các ban, ngành, hội, đoàn thể địa phương hướng dẫn hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm rơm, bào ngư, linh chi, đồng thời người dân được giới thiệu đến những địa điểm có uy tín để tiêu thụ sản phẩm.

“Hiện nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nấm được hình thành tại các xã: Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Châu, Hòa Bắc, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập hơn  3 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với xã Hòa Bắc, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đã hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng nhà nấm tập trung, lò hấp nấm và phôi nguyên liệu làm nấm, góp phần giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống”, ông Hoàng chia sẻ.

Tỷ lệ người lao động qua đào tạo tăng cao

Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, hằng năm, thành phố và các quận, huyện thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, trong đó chú trọng đến đối tượng là thanh niên, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng thời ban hành và bổ sung, sửa đổi các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách xã hội và bố trí kinh phí hỗ trợ học nghề.

Theo thống kê trên địa bàn thành phố có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô tuyển sinh gần 6.000 học viên, sinh viên. Mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển mới gần 50.000 học viên, đào tạo các nhóm ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông, lâm, ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, có 28 cơ sở tham gia đào tạo trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn, lao động đặc thù, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố với hơn 9.000 học viên được đào tạo. Các ngành, đoàn thể phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho 7.162 lượt lao động. .

Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng chế biến món ăn cho 6.576 hội viên; Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức đào tạo gắn với tư vấn, giới thiệu giải quyết việc làm cho 622 nông dân; Sở Công Thương hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên hợp tác với doanh nghiệp đưa học viên đi thực tập tại doanh nghiệp và giới thiệu cho doanh nghiệp tuyển dụng học viên sau tốt nghiệp.

Sau khi được học khóa đào tạo chế biến món ăn do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức, chị Nguyễn Thị Nhàn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) xin vào làm việc cho một nhà hàng trên địa bàn quận Hải Châu với mức lương 8 triệu đồng/tháng, nhờ đó cuộc sống ổn định. Chị tâm sự: “Không có điều kiện ăn học nên ở nhà lao động tự do, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ chương trình hỗ trợ của phụ nữ về đào tạo nghề, năm 2018 tôi tham gia khóa chế biến món ăn. Sau khóa đào tạo, tôi xin việc làm và được trả lương khá tốt, đời sống từ đó khá hơn, con cái được học hành đàng hoàng”. Chị Nhàn cũng cho biết, ở địa phương nhiều người học chế biến món ăn, sau đó có người xin đi làm việc, có người mở quán ăn nhỏ nên có thu nhập ổn định hằng ngày.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng thông tin thêm, hằng năm tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề đã có việc làm hơn  81%. “Có thể khẳng định, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển biến rõ nét, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 37% (năm 2012) đến nay lên hơn 50% và cung ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, ông Hoàng nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.