Chính trị - Xã hội

"cuộc chiến" chống tin giả

12:53, 18/06/2022 (GMT+7)

Người làm báo là lực lượng xung kích trong việc đấu tranh vạch trần tin giả, thông tin sai lệnh, ngụy tạo; bóc trần các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng làm ra, tán phát tin giả gây hậu quả xấu cho xã hội; viết bài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tác hại của tin giả

Ngày 17-5-2022, trên trang fanpage facebook “Nhóm yêu hoa Hồng” đăng một status với nội dung: “HLV Phan Thanh Hùng kiến nghị lên liên đoàn bóng đá Việt Nam sa thải ông Park sớm trước khi đội bóng chìm trong vũng lầy”, kèm theo link bài viết trên trang Globenewsport.com. Nhưng bài trên trang web này lại lấy hoàn toàn nguyên văn bài trên một từ báo khác, rồi thay title, đổi bố cục!

Trong bài viết trên báo này nêu những nhận định của HLV Phan Thanh Hùng, nguyên HLV đội tuyển Việt Nam, thuần túy về chuyên môn trước trận đấu bóng đá giữa U23 Việt Nam với U23 Myanmar trong khuôn khổ SEA Games 31, không hề có việc ông “kiến nghị lên liên đoàn bóng đá Việt Nam sa thải ông Park sớm trước khi đội bóng chìm trong vũng lầy”.

Nghĩa là trang fanpage “Nhóm yêu hoa Hồng” đăng tin hoàn toàn bịa đặt. Một nhà báo ở Báo Đà Nẵng cho biết khi đọc tin, anh đã rất bức xúc và điện thoại thẳng cho HLV Phan Thanh Hùng thì mới biết là ông đã bị dựng chuyện và việc này ảnh hưởng lớn đến uy tín của ông. Sau đó, Tòa soạn tờ báo trên yêu cầu trang fanpage kia phải gỡ tin, trang Globenewsport.com cũng âm thầm gỡ bài.

Trước đó, nhiều nhà báo cũng phản ánh tình trạng diễn viên nghiệp dư đóng giả người bệnh để quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thậm chí thuốc chữa bệnh. Tham gia vào việc lừa dối người tiêu dùng còn có sự góp mặt của một số nghệ sỹ nổi tiếng, những hoa hậu, những “sao” Việt khi nhận lời quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… với những công dụng quảng cáo không đúng sự thật, không được cơ quan chức năng kiểm chứng về chất lượng.

Đến mức, cuối tháng 3-2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Hậu quả dễ thấy nhất của tin giả là gây nên sự hoang mang lo lắng, hoài nghi, mất niềm tin, bất ổn xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngoài việc đăng, lan truyền tin giả với mục đích thỏa mãn tính háo danh, tìm kiếm lợi ích kinh tế của một số người, các tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam đang gia tăng việc lan truyền tin giả mang tính chính trị, nhắm vào các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, nhắm vào các đồng chí lãnh đạo các cấp, nhằm làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, với chế độ, nhằm xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định đất nước ta.

Tin giả có thể được phân chia thành hai mức độ: Loại thứ nhất là những thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Loại thứ hai là tin sai sự thật, là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có cơ sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.

Trước đây, tin giả thường được các đối tượng bịa ra, tự dựng lên, hoặc lấy sự kiện từ nơi này gắn vào nơi khác, từ nước ngoài áp vào Việt Nam, hoặc lấy sự kiện đã xảy ra trước đây để làm thành tin mới...

Thủ đoạn này vẫn còn nhưng không nhiều, vì người đọc sẽ dễ dàng phát hiện là tin giả. Hiện nay, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng tạo ra tin giả là lấy một phần sự thật, sau đó thêm thắt các chi tiết giả vào, chỉnh sửa ảnh, cắt ghép các clip, sử dụng các phần mềm chuyên dụng về hình ảnh, âm thanh, hoặc gán tin giả cho một người nổi tiếng nào đó. Những tin giả này đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin “nóng” trước tình hình thời sự đang diễn ra và nhất là đánh vào định kiến của người đọc nên rất dễ thuyết phục, dễ được chia sẻ, lan truyền...

Ngay cả các nhà báo cũng có thể “mắc bẫy tin giả”, vô tình hoặc cố ý đăng tải, lan truyền thông tin giả mạo nếu không tỉnh táo kiểm chứng mà cứ đưa tin theo “tiêu chí” nhanh nhất. Đã từng có nhiều bài báo lấy tin từ mạng xã hội, do không có biện pháp kiểm tra lại nguồn tin nên đăng tải thông tin không đúng sự thật, vô tình tiếp tay “khẳng định” để tin giả lan truyền gây hậu quả xấu.

Vai trò tiên phong của nhà báo

Trước vấn nạn tin giả, các cơ quan chức năng và báo chí đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý những đối tượng đăng tải, chia sẻ tin giả. Các cơ quan chức năng thuộc ngành Thông tin truyền thông, Công an đã tăng cường phối hợp trong việc phát hiện và xử lý hành chính, thậm chí truy tố đối tượng làm ra, đăng tải, chia sẻ tin giả.

Ngày 12-1-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (tingia.gov.vn) và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam sẽ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, sai sự thật và công bố thông tin xác thực để cảnh báo người dân không chia sẻ, cũng như hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó tin giả.

Cùng với đó, một số cơ quan báo chí như: Báo Nhân Dân, Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã xây dựng các chuyên trang “fact check” (kiểm chứng thông tin), Báo Nhà báo & Công luận mở chuyên mục “Chống tin giả”, và nhiều cơ quan báo chí khác đều triển khai đồng loạt nội dung này. Các chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” luôn được các cơ quan báo chí, truyền hình quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều cơ quan báo chí xác định phải bảo đảm vai trò mục tiêu kép “vừa là nhà báo, cơ quan báo chí chuyên nghiệp, vừa là những cá nhân, tổ chức đi đầu trong chống tin giả”.

Được ví như “người thư ký của thời đại”, đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp phần lớn là những người được đào tạo bài bản, có trình độ, kỹ năng trong khai thác, xử lý thông tin, tổ chức thông tin, sản xuất và truyền tải thông tin hiệu quả nhất. Do đó vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong “cuộc chiến” chống tin giả là vô cùng quan trọng. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong “cuộc chiến” này, thiết nghĩ đầu tiên người làm báo phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi kiến thức về mọi mặt, tự tạo một “màng lọc thông tin” cho riêng mình, thận trọng, cảnh giác trước mọi thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin “không bình thường” nhằm kiểm tra, thẩm định lại thông tin trước khi đăng báo.

Người làm báo phải góp phần lớn trong việc “phủ xanh thông tin”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, pha loãng thông tin xấu độc, tin giả. Một trong những nguyên nhân làm cho tin giả hoành hành là chúng ta có những “khoảng trống”, “độ trễ”, “vùng trắng” thông tin để các đối tượng xấu dễ dàng lợi dụng để làm ra, phát tán những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc, sai sự thật.

Với chức năng của mình, người làm báo cần cung cấp đến người đọc những tin tức tích cực, tin tức có kiểm chứng, thông tin có nguồn gốc rõ ràng nhằm tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng dùng tin giả để kích động, trục lợi. Hình thức phủ xanh thông tin không những trên báo, đài mà được tiến hành trong chính trang mạng xã hội của những người làm báo, vì đây là kênh thông tin dễ được công chúng tiếp cận nhất hiện nay, nhất là những người làm báo có uy tín, được người đọc tin tưởng theo dõi.

Người làm báo là lực lượng xung kích trong việc đấu tranh vạch trần tin giả, những thông tin sai lệnh, ngụy tạo, bóc trần các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng làm ra, tán phát tin giả gây hậu quả xấu cho xã hội; viết bài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua việc trực tiếp tấn công vạch trần tin giả, người làm báo đã thực hiện nhiệm vụ của mình là định hướng, dẫn dắt thông tin đúng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin giả. Ngoài ra, người làm báo cũng cần có nhiều bài viết hướng dẫn, cảnh giác để công chúng nhận diện được tin giả, hiểu được hậu quả của tin giả nhằm tự trang bị cho mình “bộ lọc” để đối phó với tin giả.

Qua vai trò tiên phong trong “cuộc chiến’ chống tin giả, người làm báo cũng cần phối hợp, cung cấp chia sẻ thông tin cho các cơ quan chức năng để có biện pháp gỡ bỏ sớm, xử lý kiên quyết những đối tượng làm ra, tán phát tin giả. Ngược lại, cơ quan chức năng cũng cần phải cung cấp những thông tin cảnh giác, thủ đoạn hoạt động, kết quả xử lý đối tượng để người làm báo đăng tuyên truyền cho công chúng biết, góp phần nâng cao nhận thức phòng chống tin giả cho công chúng và răn đe các đối tượng đang có ý đồ làm ra, tán phát tin giả gây hậu quả xấu cho xã hội. 

MÃ SIM

.