Giữ uy tín của nghề

.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đã xử lý thu hồi 3 thẻ nhà báo. Trong năm 2021, đã có 14 đơn thư phản ánh về hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Điều này ảnh hưởng đến đến danh dự của người làm báo chân chính, vai trò, uy tín của nghề báo đối với xã hội.

Nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo “Diễn đàn đầu tư và các sự kiện diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 6-2022” do UBND thành phố tổ chức ngày 31-5-2022. Ảnh: THÀNH LÂN
Nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo “Diễn đàn đầu tư và các sự kiện diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 6-2022” do UBND thành phố tổ chức ngày 31-5-2022. Ảnh: THÀNH LÂN

Thực ra, việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản... không phải là vấn đề mới, lâu nay đã có nhà báo, phóng viên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đơn cử ngày 20-4-2022, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo, thông báo kết quả đấu tranh chuyên án cưỡng đoạt tài sản do V.T.L.N. (phóng viên một kênh truyền hình) dẫn đầu nhóm phóng viên đi tìm hiểu, ghi hình những trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản nhằm chiếm đoạt tài sản ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Sau khi phát hiện và ghi hình các trường hợp vi phạm, N. liên lạc gặp trực tiếp người vi phạm rồi đe dọa, yêu cầu họ phải đưa một khoản tiền nhất định thì sẽ không gửi hình ảnh vi phạm đến cơ quan chức năng. Phạm vi hoạt động của N. thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan truyền thông.

Cũng thời điểm đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) phối hợp Tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp tổ chức phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm, tuyên phạt V.T.O. và N.T.L. (cựu phóng viên của 2 tạp chí) mỗi người 4 năm tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, ngày 24-3, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên án đối với các đối tượng Đ.B.T., N. Q. K. và P.V.M.  tổng cộng 105 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là nhóm đối tượng từng là phóng viên, cộng tác viên của một số tạp chí đã thực hiện cưỡng đoạt 269 triệu đồng của 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An...

Dù pháp luật đã có chế tài nghiêm răn đe các hành vi lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản... nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra ở một vài nơi. Thời gian qua, không ít nhà báo đã vướng vòng lao lý vì tống tiền doanh nghiệp; có cơ quan báo chí, phóng viên đã thực hiện sai tôn chỉ, mục đích của mình gây ra những hệ lụy tiêu cực trong xã hội, khiến uy tín, vị thế của nhà báo, nền báo chí bị ảnh hưởng...

Trong hoạt động tác nghiệp, một số nhà báo chưa ý thức được đầy đủ trách nhiệm, đạo đức, lương tâm của người cầm bút, hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để vụ lợi... gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh những người làm báo chân chính.

Bên cạnh những phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật thời gian qua, hiện nay cũng đang “nổi” lên nhóm đối tượng giả danh nhà báo có hành vi lừa đảo, tống tiền doanh nghiệp một cách “trắng trợn”. Cụ thể, ngày 30-4-2022, Cơ quan điều tra Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ, khởi tố đối tượng N. T. V. A. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, từ đầu năm 2021 đến tháng 4-2022, A. đã giả danh phóng viên, làm thẻ nhà báo giả của một tờ báo ngành rồi “nổ” có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ là lãnh đạo ở Trung ương và tỉnh Nghệ An để nhận làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép sang đất ở lâu dài cho 5 bị hại trú trên địa bàn huyện Diễn Châu và một số địa phương khác; trong đó, các bị hại đã chuyển cho đối tượng hơn 9 tỷ đồng... Trước đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp giả danh nhà báo, tống tiền các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh...

Ngày 10-3-2022, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 844/BTTTT-CBC về việc tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí gửi các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí... Theo đó, một số vi phạm ở một bộ phận cơ quan báo chí vẫn có xu hướng tồn tại dai dẳng, gây bức xúc cho xã hội và làm ảnh hưởng uy tín các cơ quan báo chí đang hoạt động nghiêm túc.

Một số tạp chí chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; nhà báo, phóng viên của tạp chí khoa học nhưng sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu hoặc thậm chí đe dọa buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra; có phóng viên hoạt động tác nghiệp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp...

Nhằm tiếp tục quản lý chặt kỷ cương trong hoạt động báo chí, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tăng cường việc đo kiểm, rà quét nội dung thông tin hằng ngày và thông báo tại giao ban báo chí hằng tuần để các cơ quan báo chí biết và có giải pháp khắc phục kịp thời. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh; trường hợp phát hiện có cơ quan báo chí vi phạm, bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng xử phạt nghiêm theo quy định, thậm chí đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và hằng tháng có thông báo kết quả xử lý tới các cơ quan chủ quản và các các đơn vị liên quan.

Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm, Bộ TT&TT sẽ có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí theo các quy định của Đảng, pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam...

Theo số liệu thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong năm 2021, hội đã kết nạp 1.767 hội viên, thành lập mới 11 chi hội, tiến hành xóa tên 505 hội viên. Tính đến tháng 4-2022, Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên và 288 tổ chức hội. Với tư cách cơ quan thường trực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, năm 2021, Ban Kiểm tra Trung ương Hội Nhà báo đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh; Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.