Chính trị - Xã hội
Khẳng định vai trò Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những hoạt động đột phá của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Thông qua đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa khẳng định vai trò của tổ chức, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực sự đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên bằng những hoạt động cụ thể và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chất lượng, hiệu quả phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố ngày càng sát thực tế, được các cấp chính quyền nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh phù hợp. TRONG ẢNH: Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng giữa tháng 5-2022. Ảnh: N.QUANG |
Đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy giải quyết những vấn đề bức xúc
Từ năm 2013 đến 2021, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố đã chủ trì 998 cuộc giám sát chuyên đề; trong đó 95% chuyên đề giám sát do Mặt trận các cấp thành phố chủ trì và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì 42 cuộc giám sát. Qua giám sát, đã kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân; trong đó nhiều kiến nghị đã giải quyết, trả lời công khai và được nhân dân đồng tình. Điều đó được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện qua 587/1.000 ý kiến, xếp thứ hai trong 4 hoạt động hiệu quả nhất của Mặt trận và đoàn thể chính trị -xã hội trong thời gian qua.
Đặc biệt, Mặt trận phường, xã đã phát huy tốt vai trò giám sát thông qua hoạt động của 56 Ban thanh tra nhân dân và 126 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đến nay, đã tổ chức giám sát 279 lĩnh vực; thực hiện giám sát 1.630 cuộc/2.083 công trình, dự án, qua đó các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện 137 vụ việc vi phạm, phát hiện kiến nghị 818 nội dung và đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu xử lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và giúp chính quyền cơ sở hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Chủ động phản biện tạo đồng thuận cao trong xã hội
Từ sau kết quả hội nghị phản biện đầu tiên tổ chức vào năm 2014, đến năm 2021, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì 99 hội nghị phản biện xã hội (Mặt trận thành phố chủ trì 12 hội nghị phản biện; Mặt trận quận, huyện chủ trì 28 hội nghị phản biện và Mặt trận phường, xã chủ trì 59 hội nghị phản biện) và nhiều hình thức phản biện xã hội khác (phản biện bằng văn bản, lấy ý kiến góp ý).
Đặc biệt, việc tổ chức thành công các hội nghị phản biện xã hội cấp thành phố đã tác động tích cực trong hệ thống và được dư luận nhân dân đồng tình (hội nghị phản biện năm 2014 dừng xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn và năm 2019 phản biện dừng không trình HĐND thành phố dự thảo Đề án thu phí đường bộ đối với phương tiện cơ giới lưu thông vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm).
Từ năm 2021, Mặt trận thành phố chủ động, linh hoạt tổ chức các đoàn khảo sát thực địa trước hội nghị; huy động sự tham gia của các thành viên, cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực. Vì thế chất lượng, hiệu quả phản biện sâu sát hơn với thực tế, chất lượng hơn, được chính quyền các cấp và cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Góp ý xây dựng Đảng, chính quyền
Mặt trận luôn giữ vai trò quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhất là trong công cuộc thay đổi diện mạo thành phố, triển khai các dự án, công trình, trong các chủ trương phát triển kinh tế, ổn định xã hội, được khẳng định qua phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”. Hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được đánh giá là 1 trong 4 hoạt động hiệu quả nhất của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố thời gian qua.
Trong đó, hoạt động góp ý xây dựng Đảng đứng thứ nhất với 677/1.000 ý kiến; hoạt động góp ý xây dựng chính quyền được ghi nhận 543/1.000 ý kiến. Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 1.969 hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và đại biểu HĐND các cấp với hơn 200.000 lượt cử tri tham dự, phát biểu 17.696 ý kiến, kiến nghị được gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan dân cử theo luật định, có hơn 17.000 ý kiến được các cấp, các ngành trả lời và giải quyết. Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã tham gia tích cực vào 65 lượt dự án luật, hơn 150 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành, HĐND và UBND thành phố…, góp phần đưa tiếng nói của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đến với Đảng, với chính quyền các cấp, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, đưa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống.
Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, nhằm bảo đảm cho nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước, cũng như thực hiện phản biện xã hội đối với quá trình xây dựng, hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, Trung ương MTTQ Việt Nam đang xây dựng đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, làm cơ sở để đề xuất ban hành Luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Thiết nghĩ đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để thời gian đến MTTQ Việt Nam thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nữa chức năng phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, MTTQ Việt Nam cần xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan Đảng, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin, nhằm bảo đảm có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để phản biện. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của Mặt trận cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân. Có cơ chế, chế tài ràng buộc sau giám sát, phản biện cũng như khuyến khích và bảo vệ người nói thẳng, nói thật mang tính chất xây dựng trong phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; quan tâm lựa chọn, bố trí những cán bộ có bản lĩnh chính trị, có uy tín và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng chuyên trách công tác; có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, đào tạo chuyên sâu cán bộ chủ chốt làm công tác Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng; đề xuất chính sách lương, phụ cấp đối với cán bộ Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phù hợp với thực tiễn.
Để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, nhất là tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, Mặt trận thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 2838-QĐ/TUban hành kèm theo Quy chế về “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân”. Đến nay Mặt trận các cấp đã quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TU và quy chế đến 100% cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên. |
TĂNG HOÀNG HÔN THẮM, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố