Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kinh doanh lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao

.

ĐNO - Sáng 1-6, phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các kịch bản để thích ứng bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực; trong đó khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao…

Quang cảnh kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh QH
Quang cảnh kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Q.H

Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho biết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước cùng với những bất ổn của tình hình thế giới phát sinh từ xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina đã ảnh hưởng lớn đến các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Tuy vậy, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quý 1-2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 25,2%.

Trước những khó khăn, thách thức khó đoán như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các kịch bản để thích ứng với bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực.

Trong đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu tại hội trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu tại hội trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG

Các trường đại học, cao đẳng và các địa phương cần có những chương trình đào tạo lao động những ngành nghề như kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo và rà soát các chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp FDI...

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế (như chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết, tỷ lệ giải ngân thấp…) và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc khục; nghiên cứu, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, cải cách quy trình, thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bảo đảm sát thực tế để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, New Zealand, Canada... và tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày; chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài; chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch quay trở lại với nghề; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lao động ngành du lịch.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần, thôi tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng và kéo dài trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội; đồng thời sớm chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động theo yêu cầu của Nghị quyết số  42/2021/QH15 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.