Chính trị - Xã hội

Kiểm soát chất lượng thực phẩm bán online

13:41, 10/06/2022 (GMT+7)

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến thị trường kinh doanh thực phẩm online có cơ hội phát triển trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã làm thay đổi phương thức mua hàng của nhiều người tiêu dùng, thay vì trực tiếp đã chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra yêu cầu lớn cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm tại “chợ” mua, bán trực tuyến này.

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, chị Nguyễn Thị Nhã (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu), giáo viên trường mầm non trên địa bàn quận trở nên bận rộn hơn với công việc dạy học ở trường. Để chủ động và tiết kiệm thời gian lo bữa ăn cho gia đình, chị Nhã chọn kênh mua sắm thực phẩm online. Đây là phương thức được chị và nhiều bạn bè sử dụng hiệu quả nhiều năm qua, nhất là thời điểm Covid-19 khiến các hoạt động mua bán, tiếp xúc bị hạn chế.

“Mình mua hầu hết các loại thực phẩm trên đó. Thực phẩm hằng ngày thì mua số lượng lớn về bỏ tủ ăn dần. Nếu thích những đặc sản vùng miền thì lân la các trang mạng xã hội để tìm kiếm, đăng tải trên các hội, nhóm sẽ có người chào hàng hoặc mua qua giới thiệu của người quen”, chị Nhã cho biết.

Tương tự, chị Trần Thị Hoài Lan (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cũng thừa nhận, mặc dù đã bình thường hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chị ít đi chợ hơn so với trước. Phần lớn thực phẩm đều chọn kênh mua online, vừa thuận tiện, tiết kiệm thời gian, lại có người mang đến tận nhà hoặc nơi làm việc.

“Tất nhiên cũng có những rủi ro. Có thể do người bán hàng chào một đằng giao hàng một nẻo hoặc do vận chuyển, bảo quản không đạt yêu cầu. Gặp những trường hợp như thế, mình sẽ trả lại, cũng có đôi khi vì nể nang mà nhận với một tâm trạng không thoải mái chút nào”, chị Lan nói.

Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, trên “chợ” thực phẩm online, khách hàng chỉ biết đến các địa chỉ bán thực phẩm thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, các trang rao vặt đi kèm số điện thoại của người bán. Việc mua, bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua.

Điều đáng nói, việc kinh doanh thực phẩm online chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát hoặc bán thêm để tăng thu nhập. Phần lớn người bán hàng không có giấy phép kinh doanh. Các sản phẩm được rao bán, chào mời theo kiểu “nhà làm”, “đồ quê” rất cảm tính, không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP). Thậm chí, người bán hàng cũng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, không có điều kiện, chuyên môn để kiểm chứng chất lượng, nguồn gốc thực phẩm nhập về.

Trước thực trạng “chợ” thực phẩm online phát triển mạnh trên mạng xã hội, vừa qua, Cục ATTP, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành cả nước khuyến cáo, đồng thời đề nghị triển khai các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động này.

Theo Cục ATTP, hiện nay, thực trạng quảng cáo, bán thực phẩm, kể cả thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online rất phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng các hình thức này, một số tổ chức, cá nhân đã quảng cáo thổi phồng chất lượng, bán thực phẩm không có nguồn gốc, không đúng với quảng cáo, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý (BQL) ATTP thành phố, việc kinh doanh thực phẩm online đã hình thành trong nhiều năm qua và phát triển mạnh kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Hằng năm, BQL ATTP phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động kiểm tra kinh doanh thực phẩm online.

“Các cơ sở kinh doanh thực phẩm hoặc dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị hay địa phương đều là những cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện, nên việc các sản phẩm được bán online cũng bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều thực phẩm bán online được chế biến tại hộ gia đình, quy mô chế biến nhỏ lẻ, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng”, ông Hải nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng, phát triển kênh bán hàng thực phẩm online thông qua các trang web, tên miền đã đăng ký sở hữu. Tại đây, các đơn vị kinh doanh thực phẩm cung cấp đầy đủ thông tin, chất lượng sản phẩm, địa chỉ sản xuất, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, giao nhận, vận chuyển, thanh toán hàng hóa.

Trước sự phát triển của loại hình kinh doanh thực phẩm online, UBND thành phố cũng vừa ban hành công văn gửi các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định trên các phương tiện truyền thông. Rà soát, quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang web, tên miền hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm về quảng cáo, kịp thời đề xuất ngưng hoạt động tên miền hoặc thu hồi tên miền vi phạm, tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng. BQL ATTP thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

“Hiện nay, BQL ATTP đang phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra chất lượng thực phẩm thông qua hoạt động quảng cáo online. Dưới góc độ người tiêu dùng, nếu mua hàng qua các kênh mạng xã hội, cần phải tìm hiểu các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng. Hoặc khi người mua hỏi thông tin thì người bán cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể”, ông Hải khuyến cáo.

PHAN CHUNG

.