Chính trị - Xã hội

Lắng nghe trẻ em

13:52, 01/06/2022 (GMT+7)

Theo Công ước Liên Hợp Quốc, trẻ em có quyền được bảo vệ, sống còn, phát triển, tham gia. Tuy nhiên, quyền tham gia của trẻ em hiện nay vẫn chưa sâu rộng. Vì vậy, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ, sẻ chia với các em những khó khăn trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (ngoài cùng, bên phải) trao hỗ trợ cho gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH THU
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (ngoài cùng, bên phải) trao hỗ trợ cho gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH THU

Thời gian qua, dịch vụ tư vấn, tham vấn, kết nối và can thiệp khẩn cấp tại Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tiếp tục được duy trì và thực hiện thông qua các kênh khác khau như: tư vấn qua Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên (Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên); điện thoại đường dây nóng 02362.214668 và tư vấn trực tiếp. Theo thống kê, trong năm qua, Tổng đài vùng Nam Trung Bộ - Tây nguyên của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 5.962 cuộc gọi và qua email, gồm: 5.809 ca tư vấn, 149 ca can thiệp hỗ trợ liên quan các vấn đề về trẻ em và 4 ca can thiệp kết nối hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Trong đó, riêng địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 323 cuộc, gồm: 310 ca tư vấn, 13 ca can thiệp.

Nội dung các em cần tư vấn đa phần là những mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, áp lực học tập, thi cử hay bị bắt nạt ở trường học; những băn khoăn, lo lắng liên quan đến sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì… Đó còn là những cuộc gọi của các bậc phụ huynh về sức khỏe, sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ khi gặp các vấn đề rối loạn ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc và một số vấn đề có liên quan đến bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng.

Em T. (10 tuổi, ở huyện Hòa Vang) là trường hợp vừa được Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ, giúp đỡ. Mẹ T. lấy chồng rồi ly hôn và đi bước nữa với ông M. Sau đó, ông M. đã thực hiện hành vi xâm hại T., rồi dọa nạt, ép buộc T. không được tố giác hành vi đồi bại đó với bất kỳ ai. Sau khi mẹ chia tay ông M., T. mới dám kể lại sự việc bị cha dượng xâm hại. Gia đình em T. đã trình báo công an xã can thiệp giải quyết và ông M. bị khởi tố, bắt tạm giam. Khi gặp cán bộ Trung tâm Công tác xã hội, em T. có dấu hiệu bị sang chấn tâm lý với nhiều hành vi tiêu cực như: lo lắng, thất vọng về bản thân, ngủ gặp ác mộng, bi quan… Sau đó, đơn vị đã kết nối, kêu gọi các đơn vị hỗ trợ khẩn cấp 5 triệu đồng cùng nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập và sinh kế bán quán nước cho mẹ em. Đồng thời phân công cán bộ tâm lý hỗ trợ can thiệp trị liệu tâm lý miễn phí cho em trong thời gian 3 tháng. Nhờ vậy, hiện nay, T. hoạt động sinh hoạt trở lại bình thường.

Còn N. (15 tuổi) và L. (9 tuổi) lại là một trường hợp khác. Trung tâm Công tác xã hội nhận được cuộc gọi về việc em N. và L. bị bạo hành từ chính người hàng xóm tốt bụng là chị A. Người bạo hành hai em không ai khác lại là bố ruột. Sau khi bố mẹ ly hôn, hai em sống cùng bố và thường xuyên bị bố bạo hành. Bữa cơm nào đối với hai em cũng chan đầy nước mắt khi bị đánh, chửi… Sau khi tiếp nhận thông tin, ngay trong đêm, Trung tâm Công tác xã hội kết nối với công an phường hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ. Công an phường đã đến làm việc với bố của trẻ và lập biên bản vi phạm hành chính. Trung tâm Công tác xã hội đã cử cán bộ hỗ trợ tâm lý, đồng thời liên lạc với mẹ của hai em và bà đã đồng ý vào đón các con về nuôi dưỡng.

Năm qua, Trung tâm Công tác xã hội đã tiếp nhận và tư vấn, tham vấn 24 trường hợp, trong đó có trường hợp trẻ khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, tăng động; trẻ bị bạo hành... và tham vấn tâm lý cho 7 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng Hy vọng. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp các địa phương xác minh thông tin, đánh giá, hỗ trợ tư vấn, tham vấn cho 2 trường hợp tiếp nhận từ Tổng đài 1022; can thiệp, trị liệu cho 1 trường hợp rối nhiễu tâm trí.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng với chủ đề hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến khủng hoảng tâm lý, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí cho gần 900 cộng tác viên thôn; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho 300 phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Đồng thời tổ chức 10 cuộc tư vấn cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng ngừa rối nhiễu tâm trí tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang với hơn 500 người tham dự... “Cần nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của trẻ để bảo vệ trẻ kịp thời. Từ đó, hình thành môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện”, ông Châu khuyến nghị.

THANH THU

.